Giá trị vĩnh hằng của Bản Tuyên ngôn Độc lập
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. |
Từ giữa thế kỷ XIX, đất nước ta bị thực dân Pháp xâm chiếm. Kể từ đó, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên đấu tranh liên tục. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3-2-1930), công cuộc giải phóng đất nước của nhân dân ta mới đi đúng hướng, với con đường cách mạng vô sản được soi rọi dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trải qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, dân chủ Đông Dương 1936 - 1939, giải phóng dân tộc từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (tháng 9-1939); đặc biệt, từ sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ở Đông Dương (ngày 9-3-1945), cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân ta đã dâng lên cuồn cuộn.
Phong trào đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần đã liên tiếp nổ ra ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Căn cứ địa cách mạng được xây dựng ở nhiều nơi. Toàn Đảng và toàn dân ta đang chuẩn bị ráo riết cho cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ xuất hiện.
Với một nhãn quan chính trị sâu sắc và dự đoán tình hình hết sức tài tình, lãnh tụ Hồ Chí Minh dự liệu một cách chắc chắn: Cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được thắng lợi rực rỡ, ngày độc lập của đất nước sẽ đến trong nay mai; còn bọn thực dân, phát xít nhất định sẽ bị đánh đổ, ngày tiêu vong của bọn chúng đã gần kề.
Vì thế, vào khoảng giữa tháng 5-1945, Hồ Chí Minh đã đề nghị trung úy John, sĩ quan báo vụ của Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS) đặt cơ sở tại căn cứ địa Việt Bắc, điện về Côn Minh (Trung Quốc) đề nghị Bộ Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ đóng tại đây thả dù cho Người quyển “Tuyên ngôn độc lập” của Hoa Kỳ. Đây có thể được xem là bước chuẩn bị đầu tiên của Hồ Chí Minh cho việc viết Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta vào mấy tháng sau đó.
Từ tháng 5 đến tháng 8-1945, phong trào cách mạng ở nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Từ Khu Giải phóng Việt Bắc, vào chiều 25-8-1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về cư trú tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội.
Mặc dù còn mệt do bệnh chưa khỏi hẳn, nhưng ngay sáng hôm sau (ngày 26-8), Hồ Chủ tịch đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Trong cuộc họp này, ngoài việc bàn những vấn đề trọng yếu của quốc gia, Người cho biết sẽ chuẩn bị để ra Bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 27-8, trong cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Liên tiếp trong hai ngày 28 và 29-8, Hồ Chủ tịch dành phần lớn thời gian để soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngày 30-8, Người mời một số đồng chí ở Trung ương Đảng đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói, trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một văn bản cực kỳ quan trọng là Bản Tuyên ngôn Độc lập cho nước nhà.
Ngày 31-8, Hồ Chủ tịch bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập; đồng thời, hỏi Ban Tổ chức về tình hình cụ thể của việc chuẩn bị ngày Lễ Độc lập sẽ diễn ra tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945.
Đúng 13 giờ 30 phút ngày 2-9-1945, đoàn xe chở các thành viên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị bộ trưởng bước lên lễ đài thì cả rừng người vỗ tay hoan nghênh như sấm dậy.
Giờ chào cờ đã đến. Đội kèn đồng của Vệ Quốc quân tấu bài Quốc ca - Tiến quân ca hùng tráng. Lá cờ đỏ sao vàng được hai nữ chiến sĩ giải phóng quân là Đàm Thị Loan và Lê Thi từ từ kéo lên đỉnh cột cờ.
Tiếp theo, Trưởng ban tổ chức buổi lễ Nguyễn Hữu Đang trịnh trọng giới thiệu với quốc dân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập.
Trong bộ quần áo kaki giản dị và với giọng nói ấm áp, khúc chiết, rõ ràng, phảng phất mang âm hưởng xứ Nghệ, Người đã nêu lên quyền dân tộc cơ bản của các dân tộc trên thế giới, khẳng định quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân ta là quyền độc lập, tự do; và đó cũng là quyền con người mà nhân dân ta đã anh dũng đấu tranh, giành lấy từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, bởi lẽ không thể có được quyền con người khi quyền độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia của dân tộc bị chà đạp; nói cách khác, dân tộc có được độc lập, tự do thì con người mới được hưởng quyền con người một cách đích thực.
Đó là tư tưởng bất hủ của Hồ Chí Minh về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc là độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia với quyền con người.
Người khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập…”.
Từ đó, Người hùng hồn tuyên bố trước quốc dân và thế giới nước Việt Nam độc lập và tự do đã được ra đời: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Đồng thời, Người tỏ rõ ý chí của nhân dân ta quyết bảo vệ nền độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia bằng mọi giá: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Sự ra đời của Bản Tuyên ngôn Độc lập thực sự là một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, là một áng hùng văn đời đời bất diệt. Ngày nay, giá trị của Bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn mang ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng nước nhà.
Đó là việc tiếp tục khẳng định một chân lý của muôn đời: Độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chân lý ấy là nền tảng để toàn Đảng và toàn dân ta quyết tâm vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
TUỆ MINH