.
KỶ NIỆM 73 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19-8-1945 - 19-8-2018)

Cách mạng Tháng Tám thành công đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại

Cập nhật: 11:01, 19/08/2018 (GMT+7)

Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã có chủ trương, đường lối đúng đắn, vạch ra con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành thắng lợi từng bước trong 2 cuộc tổng diễn tập đầu tiên 1930 - 1931, 1936 - 1939. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để nhân dân tin tưởng, đi theo tiếng gọi của Đảng.

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Giữa trưa ngày 15-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng đồng minh trên sóng phát thanh của Nhật Bản. Tin đó đến với lãnh tụ Hồ Chí Minh rất sớm qua bản tin Đài BBC mà Người nghe được ở lán Nà Lừa, Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang).

Vì vậy, Người chỉ đạo: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lập tức Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, với nội dung: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội duy nhất cho quân và dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động cho thật nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.

Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong Thư kêu gọi đồng bào cả nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là kết quả của quá trình vận động cách mạng do Đảng bộ tổ chức và lãnh đạo. Quá trình đó diễn ra xuyên suốt 15 năm chiến đấu bền bỉ qua các cao trào cách mạng: 1930 - 1931, 1936 - 1939, khởi nghĩa năm 1940, cao trào chống Nhật cứu nước năm 1945. 15 năm đó, phong trào cách mạng có lúc lên, có lúc tạm thời lắng xuống, nhưng nhờ nắm được đường lối của Đảng, Đảng bộ đã kiên trì tuyên truyền, vận động giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, tìm mọi cách khôi phục lại cơ sở Đảng để làm hạt nhân lãnh đạo phong trào. Chính vì vậy, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cao trào chống Nhật cứu nước ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công phát triển mạnh mẽ và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám.
 

Tối 16 và sáng 17-8, Xứ ủy Nam kỳ họp khẩn cấp tại Chợ Đệm. Đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho và đồng chí Nguyễn Văn Côn, Bí thư Tỉnh ủy Gò Công dự họp.

Hội nghị xác định: Thời cơ khởi nghĩa đã đến, các địa phương tùy theo tình hình mà lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Tại tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, tình hình diễn ra ngày càng có lợi cho phong trào cách mạng.

Lữ đoàn quân phiệt Nhật đóng ở Mỹ Tho rã rời, hoang mang cực độ. Chính quyền phát xít Nhật ở Mỹ Tho, Gò Công ngừng việc.

Quân Nhật ở các nơi kéo về co cụm tại thị xã Mỹ Tho và thị xã Gò Công để phòng thủ; một số khác hoang mang bỏ trốn... Đó là thời cơ vô cùng thuận lợi để nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Đêm 17-8-1945, ngay sau khi từ Chợ Đệm trở về, đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập hội nghị khẩn cấp bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị nhất trí nhận định thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định phát lệnh khởi nghĩa với phương châm: Nơi nào có lực lượng ta mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau và quyết giành cho được chính quyền về tay nhân dân.

Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chọn thị xã Mỹ Tho là nơi khởi nghĩa trước để lấy đà và tạo điều kiện thuận lợi cho các quận khởi nghĩa.

Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa ở Mỹ Tho, lấy lực lượng của Trường Quân sự tỉnh ở cầu Bến Chùa, xã Long An làm chủ công. Nhiệm vụ của lực lượng này là phối hợp với lực lượng nội ô đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thị xã.

Trưa ngày 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho đã hoàn thành. Sau đó Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành thành lập Ủy ban nhân dân tỉnh và chuẩn bị tổ chức mít tinh chào mừng cách mạng thành công. Cùng lúc, chính quyền địch ở Gò Công trở nên bất lực.

Ngày 18-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời họp bầu Tỉnh ủy chính thức và thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời để “danh chính ngôn thuận” kêu gọi toàn dân khởi nghĩa.

Ngày 21-8-1945, nhân dân xã An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) biểu tình kéo xuống làng Thạnh Nhựt (tổng Hòa Đồng Thượng) lấy mộc của làng, tước súng của hương quản. Tỉnh trưởng Gò Công phải mời đồng chí Nguyễn Văn Côn - đại diện Việt Minh đến gặp và khẩn thiết nhờ giải quyết.

Ngày 22-8, đại diện Ủy ban Dân tộc giải phóng, ông Lê Văn Philíp đến dinh tỉnh trưởng thuyết phục Trần Hưng Ký từ chức và giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc giải phóng. 14 giờ ngày 22-8-1945, Tỉnh trưởng Trần Hưng Ký mời đồng chí Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philíp tới dinh tỉnh trưởng để giao lại chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công thi hành các chủ trương của Đảng, thành lập và ra mắt chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động, thực thi các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Chính vì vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là cuộc cách mạng thành công và triệt để.

Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công thành công nhanh chóng xuất phát từ toàn dân đoàn kết, đồng lòng vùng dậy khởi nghĩa giành lại chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Qua cuộc khởi nghĩa, chúng ta thấy, trong hàng ngũ cách mạng chẳng những có công nhân, nông dân, mà có cả địa chủ, tư sản, trí thức, các vị chức sắc của các tôn giáo, nhân dân từ thành thị đến nông thôn đều tích cực tham gia khởi nghĩa.

Trong vòng 12 ngày (từ ngày 14 và 25-8-1945), Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thắng lợi trong cả nước. Toàn bộ chính quyền từ trung ương đến địa phương đã về tay nhân dân.

Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại, là thắng lợi vô cùng to lớn trên con đường cứu nước và giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn khi bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin. Thắng lợi này đã chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.