Thủ tướng: Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 vào sáng 9-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tiền Giang trong việc tổ chức tốt hội nghị, gọn nhẹ nhưng bài bản, hiệu quả, chặt chẽ, cùng những nỗ lực của Tiền Giang để thay đổi hình ảnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều dự án, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua.
Thủ tướng đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền Tiền Giang đã góp phần vào việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của Tiền Giang, đặc biệt là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi.
Thủ tướng cũng khẳng định vị thế, tiềm năng của Tiền Giang trong khu vực, là “mặt tiền” của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, là “vương quốc” của “vương quốc trái cây”…, nói chung là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Vì thế, Tiền Giang cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng tầm vị thế và “phục hưng” lại vùng đất này trở lại sầm uất và thịnh vượng hơn xưa?
Đánh giá cao kết quả của hội nghị với khoảng 16.000 tỷ đồng sẽ đầu tư trực tiếp vào Tiền Giang trong nay mai, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp không nên chậm trễ với những dự án, kế hoạch đầu tư vào Tiền Giang; bởi “tất cả chúng ta đều nhìn thấy một địa phương như Tiền Giang đang ngày càng quyết tâm chuyển mình theo hướng năng động chung của cả nước”, khi mà các năm 2016, 2017 và nửa đầu năm 2018, Tiền Giang đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao, 8%/năm.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp, vì quyền lợi của chính bản thân mình và sự phát triển của Tiền Giang, “hãy đón bắt thời cơ làm ăn mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng tỉnh Tiền Giang phát triển”.
Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Tiền Giang vào chiều cùng ngày, Thủ tướng đánh giá cao kết quả tỉnh Tiền Giang đã đạt được, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế (trong 6 tháng đầu năm 2018, Tiền Giang đứng thứ 2/13 tỉnh, thành ĐBSCL, chỉ sau tỉnh Long An), chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; quy mô nền kinh tế Tiền Giang chiếm 9,2% GRDP của toàn vùng và 1,5% GDP cả nước.
Điều đó cho thấy, Tiền Giang gần đây không chỉ là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng ĐBSCL, mà còn là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Thủ tướng đánh giá cao mục tiêu của Tiền Giang là đến cuối năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh sẽ tăng gấp đôi so với năm 2016, đặt nền tảng quan trọng để có thể tự cân đối ngân sách vào năm 2020.
Thủ tướng đánh giá cao tập thể Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Tiền Giang đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong phát triển tỉnh nhà.
Từ sự phân tích các tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thủ tướng đề nghị kinh tế Tiền Giang cần phát triển trên 5 trụ cột chính: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ; trái cây “sạch” được định vị ở phân khúc cấp cao; công nghiệp chế biến nông sản; du lịch sinh thái; nghiên cứu cảng nước sâu Soài Rạp để làm khu công nghiệp cảng, logistic.
Cho rằng tốc độ tăng trưởng của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, Thủ tướng nhấn mạnh Tiền Giang cần tìm cách khai thác dư địa, chú ý đến chất lượng trong phát triển kinh tế; xử lý kịp thời các “điểm nghẽn”, nhất là công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.
Đề cập đến tình trạng tội phạm, gần đây nổi lên tình trạng cho vay nặng lãi, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm tình trạng tín dụng “đen” trên địa bàn.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tiền Giang nguyện nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với lời khen ngợi, biểu dương và chỉ đạo của Thủ tướng, để là “một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và sẽ trở thành động lực phát triển của toàn khu vực ĐBSCL” như mong mỏi của Thủ tướng.
NHƯ NGỌC