Thủ tướng Chính phủ "gỡ khó" nhiều vấn đề cho Tiền Giang
Chiều 9-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2017, Tiền Giang là 1 trong 3 tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất.
6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát triển tốt hơn các năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người tăng đều…
Tại buổi làm việc, Tiền Giang đã kiến nghị với Thủ tướng nhiều vấn đề lớn như sạt lở bờ biển, bờ sông, những khó khăn liên quan đến việc phát triển công nghiệp phía Đông của Tiền Giang gắn với kinh tế biển...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Tiền Giang đạt được trong thời gian qua. Cụ thể như việc phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp... Thủ tướng ghi nhận những kết quả tích cực; đồng thời đánh giá cao tập thể Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tiền Giang đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong phát triển tỉnh nhà.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực…
Đề cập đến tình trạng tội phạm, gần đây nổi lên tình trạng cho vay nặng lãi, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm tình trạng tín dụng "đen" trên địa bàn.
Thủ tướng cho rằng thời gian tới, kinh tế Tiền Giang cần phát triển trên 5 trụ cột chính là: nông nghiệp ứng dụng công nghệ, trái cây sạch, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch sinh thái và nghiên cứu cảng nước sâu Soài Rạp để làm một khu công nghiệp cảng logistic của tỉnh cho cả khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. |
Đối với các kiến nghị của tỉnh Tiền Giang, về việc bổ sung vốn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn dự phòng cho Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công, Thủ tướng cơ bản đồng ý dự án này; đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các bộ, ngành liên quan tổng hợp chung chủ trương sử dụng nguồn vốn này để báo cáo Thủ tướng.
Về dự án chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ tuyến đê biển Gò Công có liên quan đến vốn vay ODA, Thủ tướng cơ bản ủng hộ và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tỉnh Tiền Giang thực hiện thủ tục theo quy định và báo cáo với Thủ tướng.
Về hỗ trợ vốn khoảng 130 tỷ đồng để xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch, Thủ tướng đồng ý với phương án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo trước đó.
Về kiến nghị phát triển công nghiệp phía Đông gắn với kinh tế biển, đối với Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, Thủ tướng đồng ý bàn giao cho Tiền Giang và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tỉnh Tiền Giang phối hợp tổ chức bàn giao theo tinh thần thông báo trước đó.
Đối với Dự án Mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án đầu tư phù hợp và báo cáo lại Thủ tướng
D. SƠN - M. THÀNH