Kiên quyết đánh bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch
Ngày 23-9-1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
Binh công xưởng Gò Công trong giờ sản xuất vào năm 1948. |
Sáng ngày 23-9, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ (sau đổi tên thành Ủy ban kháng chiến) họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự.
Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống quân xâm lược. Ủy ban kháng chiến Nam bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong tỏa địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.
Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, bày tỏ sự tin tưởng vào chiến sĩ và nhân dân Nam bộ đang “hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Người nêu cao lẽ sống “thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc. |
Với khí thế cách mạng sôi nổi và phấn khởi, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Việt Minh và nhân dân thị xã Mỹ Tho vinh dự tổ chức lễ đón tiếp các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng từ ngục tù Côn Đảo trở về, trong đó có các đồng chí lãnh tụ của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ… tại Trường College de Mytho với sự xúc động và niềm vui vô hạn.
Một sự kiện quan trọng khác trong thời điểm này là Hội nghị Xứ ủy Nam bộ vào ngày 25-9-1945, gồm đại diện Đảng bộ các tỉnh Nam bộ tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thể (gần cầu Vĩ, xã Mỹ Phong). Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp cũng có mặt, đặc biệt là đồng chí Hoàng Quốc Việt, phái viên của Trung ương Đảng đến dự phổ biến chủ trương của Đảng.
Hội nghị đã phân tích đánh giá tình hình, nhất là âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp sau khi chúng nổ súng đánh chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945, mở đầu cho cuộc xâm lược của chúng lần thứ 2 ở Nam bộ.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các chi bộ Đảng, chính quyền thị xã Mỹ Tho đã tổ chức thành lập Ủy ban kháng chiến xã Điều Hòa và các xã Trung An, Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, phát động thanh niên, học sinh, đoàn viên thanh niên cứu quốc gia nhập vào lực lượng vũ trang chiến đấu của thị xã Mỹ Tho, thay cho lực lượng vũ trang của Chi đội Thủ Khoa Huân chuyển về tỉnh; đồng thời, cũng đã biên chế thành các đội vũ trang chiến đấu, do các đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phan Đình Lân, Phan Lương Trực chỉ huy.
Lực lượng này đã tổ chức giật hơn 40 súng đạn của Nhật tại kho Bát-tam-băng và lặn mò lấy súng đạn trên 2 tàu chìm của Pháp, Nhật để tự trang bị vũ khí cho mình; đồng thời, cử cán bộ đi học lớp quân sự của tỉnh tại xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành để về tăng cường khả năng chỉ huy cho các đơn vị.
Ngoài ra, chính quyền thị xã Mỹ Tho còn tổ chức các đội du kích mật, cùng với lực lượng vũ trang chiến đấu bố trí chốt giữ ở các vị trí trọng yếu như ngã ba Trung Lương, Cầu Tàu, Bến Tắm Ngựa, cầu Vĩ… Các bộ phận tiếp tế, cứu thương, địa điểm điều trị thương binh cũng được hình thành…
Tháng 9-1945, tất cả các xã trong tỉnh đều tổ chức được lực lượng tự vệ, nhiều xã có đến 3 trung đội, xã ít nhất có 1 trung đội, với vũ khí còn thô sơ như: Tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, súng mút hoặc súng lửa.
Ngày 9-9-1945, Tỉnh ủy Gò Công thành lập lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh, lấy tên là Cộng hòa tự vệ, gồm 4 trung đội với hơn 100 người, thành phần gồm những nông dân yêu nước, những người hiểu biết về quân sự được tuyển chọn, được huấn luyện cơ bản và sẵn sàng chiến đấu.
Một số lính “khố đỏ”, Cộng hòa vệ binh cũng xung phong gia nhập lực lượng vũ trang và được tỉnh Gò Công thu nhận. Nhằm phục vụ cho lực lượng vũ trang chiến đấu, tỉnh Gò Công còn tổ chức 1 đội nữ cứu thương để chăm sóc cho thương binh, bệnh binh. Thanh niên thị xã Gò Công tích cực gia nhập lực lượng dân quân vũ trang, đến giữa tháng 9-1945 thị xã có được 2 trung đội…
Ngày 15-10-1945, để chấm dứt tình trạng tồn tại 2 Xứ ủy (Tiền phong, Giải phóng), các đảng viên chủ chốt của 2 Xứ ủy và các đảng viên mới từ nhà tù Côn Đảo trở về quyết định tổ chức Hội nghị Xứ ủy ở nhà ông Nguyễn Tử Vân, xóm cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo (nay là xã Mỹ Phong thuộc TP. Mỹ Tho).
Hội nghị cử ra Xứ ủy lâm thời Nam kỳ gồm 11 thành viên: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ (Võ Sĩ), Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Thị Thập. Hội nghị thống nhất đề cử đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ.
Xứ ủy lâm thời ra Nghị quyết: Củng cố, thống nhất các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh từ cấp Xứ đến cơ sở; chỉ định một số Bí thư Tỉnh ủy tăng cường bố trí số đảng viên từ Côn Đảo mới về vào chính quyền và các tổ chức đoàn thể cách mạng trong các tỉnh, thành trong toàn Xứ.
Thành lập Ủy ban kháng chiến, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười, đưa cán bộ xuống xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang tập trung. Lập các binh công xưởng ở căn cứ.
Các cơ quan và lực lượng vũ trang chủ động rút ra khỏi thành phố, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch. Cô lập địch trong các thị trấn, thị xã. Vận động nhân dân tản cư ra khỏi thị xã, thị trấn, thực hiện “vườn không nhà trống”.
Bằng mọi cách (lập chướng ngại vật, đắp mô, ngã cột điện, ngã cây trên các tuyến giao thông thủy bộ...) ngăn cản bước tiến của địch. Trấn áp bọn tay sai thực dân Pháp. Kiên quyết đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.
Thực hiện lệnh Tổng động viên và Lời kêu gọi nhân dân kháng chiến giết giặc cứu nước của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công đã lãnh đạo các ngành, đoàn thể cứu quốc và các chi bộ, đảng bộ cơ sở khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến.
Kết quả bước đầu thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, “tiêu thổ kháng chiến” ở một số vùng trọng điểm, đến giữa tháng 10-1945 các thị xã trong tỉnh Mỹ Tho và Gò Công còn rất ít người.
Lương thực, thực phẩm được nhân dân mang đi hoặc chôn cất, một số nơi du kích tổ chức giật súng của Nhật để tự trang bị cho mình. Không khí kháng chiến đã thực sự nằm trong ý thức của chiến sĩ và nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công.
Chỉ sau 2 tháng từ ngày giành được chính quyền, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, giữ vững được chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng các lực lượng vũ trang và phát động nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.
HỒNG LÊ (tổng hợp)