Thứ Tư, 12/09/2018, 21:48 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 88 NĂM PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH (12-9-1930 - 12-9-2018)

Tỉnh Mỹ Tho và Gò Công trong cao trào cách mạng 1930 - 1931

Cách đây tròn 88 năm, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã diễn ra, đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12-9-1930 ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là đỉnh cao của phong trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931 và là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời. Cao trào diễn ra trên 25 tỉnh, thành và đạt tới đỉnh điểm trên đất Nghệ Tĩnh.

Ở Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh bùng nổ vào sáng 1-5-1930, với sự tham gia của công nhân Khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết.

Xô Viết Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo năm 1930 - 1931.
Xô Viết Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo năm 1930 - 1931.

Phong trào được đẩy lên đỉnh điểm, đó là cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên ngày 12-9-1930, với những khẩu hiệu “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc!”, “Đả đảo phong kiến”...

Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài kéo vào thành phố Vinh. Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom, xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, song cũng không ngăn cản được phong trào đấu tranh của nông dân, mà càng làm cho cuộc đấu tranh thêm sục sôi, khiến chính quyền thực dân hết sức lo sợ.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn.

Cao trào cách mạng cùng với sự ra đời của chính quyền Xô Viết là kết tinh sức mạnh to lớn của khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, đã chứng minh đường lối lãnh đạo của Đảng là đúng đắn; đồng thời, đây được coi là cuộc diễn tập đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã chứng tỏ Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã vận dụng đúng đắn đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, phù hợp với nguyện vọng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là cơ sở đem lại niềm tin vững chắc của quần chúng nhân dân vào con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo; làm cho quần chúng nhận thức được rằng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Đây cũng là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng bộ và quần chúng cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, tiến tới cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Qua cao trào cách mạng, cán bộ, đảng viên và quần chúng được rèn luyện, nâng cao nhiều mặt về năng lực cách mạng, tạo nền tảng khá vững chắc cho các phong trào cách mạng sau này.

Cuối tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho vừa thành lập, đã triệu tập hội nghị mở rộng tại xã Thạnh Phú, quận Châu Thành.

Sau khi phân tích một cách cụ thể tình hình ở địa phương, hội nghị nhất trí phát động quần chúng trong tỉnh đấu tranh chống thuế, chống bắt đi làm xâu, chống đi canh tuần ban đêm… nhân Ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động (1-5), nhằm biểu dương lực lượng cách mạng, chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngày 1-5-1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cuộc bãi thị của 7 chợ thuộc quận Châu Thành: Chợ Giữa (Vĩnh Kim), chợ Thuộc Nhiêu (xã Dưỡng Điềm), chợ Bưng (xã Tam Hiệp), chợ Nhị Bình (xã Nhị Bình), chợ Rau Răm (xã Kim Sơn), chợ Bình Đức (xã Bình Đức), chợ Xoài Hột (xã Thạnh Phú) đã đồng loạt nổ ra, nhằm mục đích chống thuế chợ quá nặng.

Cuộc bãi thị đã làm bọn thầu các chợ lo sợ, chúng buộc phải giảm tiền thuế chợ và cuộc bãi thị đã giành thắng lợi.

Cùng ngày, nhân dân các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Nhị Mỹ, Tân Hội, Tân Bình thuộc quận Cai Lậy cũng đã sôi nổi tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình do các chi bộ Đảng tổ chức lãnh đạo.

Trong các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy, quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Hoan nghênh Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời!”, “Hoan nghênh Ngày Quốc tế Lao động 1-5!”, “Đả đảo đế quốc Pháp!”, “Đả đảo bọn cường hào quan làng phản động”, “Ủng hộ Liên bang Xô Viết!”... Trong cuộc đấu tranh này, quần chúng đã treo tại trụ sở tề xã Mỹ Hạnh Trung 1 lá cờ đỏ búa liềm và tấm băng ghi khẩu hiệu “Hoan nghênh Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời!”.

Song song với các cuộc mít tinh, biểu tình, bãi thị, việc rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, cờ búa liềm, đánh trống mõ, đốt pháo tre… cũng đồng loạt diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ngày 1-5-1930 đã mở ra cao trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc trong những năm 1930 - 1931. Với quy mô rộng khắp, với kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh này, uy tín của Đảng được nâng cao, đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong tỉnh.

Phong trào cách mạng cả nước phát triển mạnh mẽ, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đế quốc Pháp khủng bố dữ dội các cuộc đấu tranh của quần chúng. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã vạch rõ nhiệm vụ cho các Đảng bộ trong nước phải nhân cuộc khủng hoảng kinh tế và chính sách tàn ác của đế quốc mà hướng quần chúng ra đấu tranh chính trị, phát động phong trào quần chúng cả nước bảo vệ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng tránh bạo động quá sớm.

Ngày 1-5-1931, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Phạm Hùng (Bí thư Tỉnh ủy), trên 3.000 quần chúng ở các xã lân cận đã kéo về xã Long Định dự mít tinh và bắt tên Đặng Văn Châu (Hương quản Trâu), một tên khét tiếng phản động.

Quần chúng đã lên án trừng trị tên này tại chỗ. Sau cuộc mít tinh này, khí thế đấu tranh của quần chúng lên rất cao và phản ứng của địch cũng rất quyết liệt. Cùng ngày, hàng ngàn quần chúng của các xã thuộc 3 quận: Châu Thành, Cai Lậy và An Hóa đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, tuần hành thị uy. Có nơi quần chúng xông vào đập phá trụ sở tề ngụy, treo cờ cách mạng, rồi giải tán một cách trật tự…

Từ khi Đảng bộ ra đời đến cuối năm 1931, phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) đã nổ ra liên tiếp, tạo thành một cao trào cách mạng của quần chúng, bao gồm nông dân, công nhân, tầng lớp tiểu tư sản, thu hút cả tư sản dân tộc và một số địa chủ nhỏ.

Cao trào đấu tranh phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, nhằm chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc và bọn địa chủ quan làng phản động. Các cuộc đấu tranh đều có tổ chức, do Đảng lãnh đạo và có chuẩn bị trước…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.