Thứ Sáu, 12/10/2018, 15:17 (GMT+7)
.

8 vấn đề Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang cần tập trung thực hiện (*)

Báo Ấp Bắc trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh trao Bức trướng cho Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh trao Bức trướng cho Đại hội.



Trong không khí long trọng, vui tươi của Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển - Hội nhập”, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin được chào mừng và trân trọng gửi đến Đoàn Chủ tịch, quý đại biểu, các đồng chí lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của giai cấp nông dân, chiếm số đông trong xã hội và gắn bó lâu đời với cội nguồn của dân tộc, có nhiều công lao đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đây là lực lượng luôn quan tâm, chăm lo phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân và diện mạo nông thôn. Đến nay, cùng với sự trưởng thành của tổ chức Hội Nông dân các cấp, các hoạt động và phong trào do Hội phát động ngày càng đạt hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, của mỗi địa phương trong xu thế hội nhập và phát triển.

Ở tỉnh ta, trong niềm tự hào chung của nông dân Việt Nam, nông dân Tiền Giang đã có nhiều đóng góp xứng đáng trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho nước nhà. Chiếm 70% dân số, trên 65% lực lượng lao động, nông dân Tiền Giang từng bước tỏ rõ tiềm năng, sức sáng tạo của mình qua các phong trào hành động cách mạng với nhiều hoạt động thiết thực, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn như xóa khó, giảm nghèo; thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi; hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật giúp nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân còn phát huy tốt truyền thống t­ương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, luôn tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia sâu vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đạt được những thành tựu rất quan trọng; đặc biệt là tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp và tổ chức thực hiện khá tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đến nay đã ra mắt được 40 xã nông thôn mới; các Chương trình, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các Dự án “Vùng sản xuất lúa, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao” đều được triển khai thực hiện; đặc biệt, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết  10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh bước đầu đạt hiệu quả rất đáng phấn khởi. Những kết quả này luôn có sự đồng hành và đóng góp tích cực của cán bộ, hội viên nông dân các cấp.

Có thể nói, thành tích nổi bật của giai cấp nông dân cùng với Hội Nông dân trong nhiệm kỳ qua là đã tham gia có hiệu quả vào việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; luôn đồng tâm, hiệp lực vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tham gia đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu chủng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế từng vùng của tỉnh, đạt hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, từng bước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chăm lo, củng cố và phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Qua đó, càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Những kết quả đạt được đã cho thấy: Các phong trào của Hội ngày càng đi vào chiều sâu, có ý nghĩa thiết thực, được đông đảo nông dân ủng hộ và tham gia vào tổ chức Hội ngày càng đông, ý thức chính trị, làm chủ và đời sống của nông dân được nâng lên. Phần lớn nông dân đều làm tròn nghĩa vụ của mình đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, tổ chức Hội không ngừng được củng cố.

Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân Tiền Giang đã được khen tặng 1 Cờ Thi đua của Chính phủ, 2 Cờ Thi đua của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 2 Cờ Thi đua của UBND tỉnh và ngay trong Đại hội này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng Bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển - Hội nhập”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương và xin chúc mừng những thành tích đã đạt được của các cấp Hội, của cán bộ, hội viên và nông dân tỉnh nhà trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của phong trào nông dân và hoạt động của các cấp Hội Nông dân thời gian qua, đó là: Phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào tham gia bảo vệ quốc phòng - an ninh phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân, chưa gắn chặt với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn chưa đến tận vùng sâu, vùng xa; việc nắm bắt diễn biến tâm tư, nguyện vọng của hội viên, của nông dân có lúc có nơi chưa kịp thời, từ đó việc đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan giải quyết những vấn đề bức xúc trong nông dân còn chậm. Chưa chủ động quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ ở cơ sở, chất lượng cán bộ không đồng đều, một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; công tác tư vấn, dạy nghề cho nông dân thực hiện còn thụ động, lúng túng; nội dung phương thức hoạt động chưa thật sự phong phú; một số phong trào còn mang tính hình thức, thiếu sức hấp dẫn, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội chưa cao.

Việc tham gia giám sát, phản biện xã hội có nơi chưa được chú trọng; không ít nông dân còn bị xúi giục, kích động, lôi kéo tham gia khiếu kiện đông người vượt cấp, gây mất an ninh trật tự. Mặt khác, chúng ta đều biết, thế giới và trong nước đang bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều cơ hội mới nhưng thách thức cũng không nhỏ. Vấn đề đặt ra là, nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động; có yêu cầu gì cho việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước và của Tiền Giang chúng ta, để có thể đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững? Mỗi đại biểu chúng ta cũng cần suy nghĩ thêm vấn đề này.

Thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Trên cơ sở thống nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới; đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Đại hội xin trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của đồng chí. Về phần mình, tôi lưu ý và gợi mở thêm một số vấn đề để tổ chức Hội Nông dân các cấp cần tập trung thực hiện:

Trước nhất, tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị 59 ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Chương trình hành động 55 ngày 14-8-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 97 ngày 9-5-2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kế hoạch 201 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020.

Thứ hai, phải đặc biệt coi trọng phát huy nguồn lực con người; đẩy mạnh và thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; khôi phục và phát triển các ngành, nghề truyền thống, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động và giải quyết việc làm ngay trên địa bàn nông thôn; quy hoạch, phát triển nông nghiệp và nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của tỉnh.

Phải nắm bắt những lợi thế về tự nhiên, về cảnh quan, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp trang trại, công viên cây ăn trái gắn với tham quan, du lịch trên cơ sở lợi thế kinh tế và tiềm năng phát triển từng vùng của tỉnh; cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp.

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các ngành khoa học, giáo dục, văn hóa - xã hội cần hướng mạnh về cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng của mình để hướng dẫn, hỗ trợ cho từng địa phương phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba, trong Thư gửi Hội nghị Cán bộ Hội Nông dân cứu quốc toàn quốc vào tháng 11-1949, Bác Hồ viết: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.

Vì vậy, với xu thế hội nhập và phát triển trong giai đoạn hiện nay, các cấp Hội Nông dân cần phát huy vai trò, tiềm năng và sức sáng tạo của giai cấp nông dân; phải tích cực vận động, tập hợp nông dân tham gia các hình thức kinh tế hợp tác, thành lập các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hoạt động với bước đi phù hợp, theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất theo cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, kinh tế hợp tác và hợp tác xã ở nông thôn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, phải ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tổ chức chặt chẽ phong trào thi đua để giúp Hội Nông dân cơ sở thuận lợi trong triển khai thực hiện; đồng thời, khuyến khích, phát huy và nhân rộng các mô hình, các nhân tố điển hình làm kinh tế giỏi để nông dân học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu áp dụng, từng bước phấn đấu vươn lên làm giàu, nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đều khắp ở các địa phương trong tỉnh.

Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong nhân dân; đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới đối với các địa phương sẽ ra mắt xã nông thôn mới trong thời gian tới; đẩy mạnh sự đa dạng trong cơ cấu ngành, nghề nông thôn, sản xuất hàng hóa đa ngành, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu chính đáng; đoàn kết, giúp nhau xóa khó, giảm nghèo thật sự hiệu quả, bền vững.

Lúc sinh thời, Bác Hồ hết sức quan tâm đến vấn đề nông dân, coi trọng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Người thường nói: “Nhà nông là chiến sĩ” làm cho “người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm...”. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã nêu rõ: “Nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp…”, “Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân”. Do đó, Hội Nông dân cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ tư vấn, dạy nghề cho nông dân, liên kết nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các quy luật chung của nền kinh tế thị trường và những tác động không nhỏ của các yếu tố môi trường, thiên nhiên, tình hình biến đổi khí hậu để định hướng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn đúng hướng và đồng bộ; chủ động nâng cao trình độ dân trí và các điều kiện sản xuất, để cho nông dân sẵn sàng tham gia hội nhập với nền kinh tế quốc tế và khu vực.

Thứ năm, huy động mọi nguồn lực để cùng hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới cho nông dân áp dụng vào sản xuất phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giúp cho diện mạo nông thôn chuyển biến theo hướng đi dần đến trình độ văn minh, hiện đại.

Chính quyền các cấp, các ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa trong việc phối hợp với Hội Nông dân vận động và đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mặt khác, cần có chương trình liên tịch cụ thể để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân và phong trào nông dân phát huy được khả năng, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước; Hội Nông dân cần phải thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác vận động, hòa giải ở cơ sở nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân như: Tranh chấp đất đai, tài sản; khiếu kiện về đền bù, giải tỏa gắn với tuyên truyền, giáo dục cho nông dân thông, hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giúp nông dân an tâm sản xuất - kinh doanh, không vi phạm pháp luật, luôn nêu cao tinh thần yêu nước; đề cao cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; sáng suốt nhận ra ý đồ của những phần tử phản động để không bị lợi dụng, kích động, lôi kéo tụ tập đông người, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất - kinh doanh.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội sát hợp với nhu cầu và lợi ích của hội viên; xây dựng các cấp Hội, nhất là ở cơ sở để tập hợp, đoàn kết, giáo dục hội viên nâng cao ý thức và năng lực làm chủ, làm nòng cốt trong các cuộc vận động và phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Hội cần phải hướng mạnh về cơ sở, hoạt động sáng tạo và thiết thực hơn nữa, coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; nắm chắc tình hình nông dân, nông thôn, đề xuất kịp thời với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, biện pháp đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nông dân. Hội Nông dân phải là thành viên tích cực của các chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, chú trọng tổng kết những việc làm hay, những phong trào tốt từ thực tiễn ở các địa phương, để tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hội trong thời gian tới.

Thứ tám, khẩn trương triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang theo Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Cần tham mưu cho các cấp ủy thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ Hội Nông dân, nhằm tạo nguồn cán bộ Hội các cấp có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết, hết lòng với công việc, với hội viên, nông dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn theo chức năng, nhiệm vụ của hội.

Hơn ai hết, Hội Nông dân là người tổ chức phong trào, vì vậy cần phải có định hướng, động viên, khuyến khích và hỗ trợ để nông dân tin tưởng thi đua phát triển sản xuất vì một nền nông nghiệp Xanh - Sạch - Hiện đại; đồng thời, tích cực vận động nông dân tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ấp, xã văn hóa; các cuộc vận động xã hội - từ thiện; xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời ngăn chặn, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh, tình làng nghĩa xóm, bảo vệ thuần phong mỹ tục, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn; tham gia tích cực vào việc giám sát hoạt động, góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; kết hợp với các ban, ngành tiếp tục xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thưa quý đại biểu và các đồng chí, Cùng với việc thảo luận đóng góp vào Báo cáo chính trị để đi đến thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Đại hội, Đại hội chúng ta còn có nhiệm vụ rất quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới và bầu đại biểu dự Đại hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, không có cán bộ tốt thì hỏng việc...”.

Do đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 có thực hiện thắng lợi hay không phụ thuộc rất lớn ở năng lực lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành khóa mới. Những nhân tố, yếu tố quyết định cho sự thành công, đó là: Phải có một tập thể cán bộ lãnh đạo gương mẫu, với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, dân chủ, gắn kết trách nhiệm, biết phát huy sức mạnh tập thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao; do đó, đại biểu Đại hội cần thảo luận kỹ về phương án nhân sự, về yêu cầu cơ cấu, về tiêu chuẩn để lựa chọn bầu đủ các đồng chí tiêu biểu, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 250 ngàn hội viên trong tỉnh vào Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa VIII và bầu đại biểu dự Đại hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII. Tôi rất mong và tin tưởng 305 đại biểu của chúng ta sẽ thực hiện tốt được nhiệm vụ này  - đó là bầu đúng, bầu đủ số lượng Ban Chấp hành và đại biểu dự Đại hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII mà chúng ta đã tham gia góp ý, xây dựng phương án nhân sự theo đúng quy trình đã quy định.

Ngay sau Đại hội, các cấp Hội Nông dân cần chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân tỉnh, nhiệm kỳ 2018 - 2023 trên từng lĩnh vực công tác, sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống ở từng cơ sở; tiếp tục phát động thi đua trong cán bộ, hội viên, nông dân với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi để chào mừng Đại hội Đại biểu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Thưa quý đại biểu và các đồng chí,Chúng ta tin tưởng sau Đại hội, các phong trào thi đua của nông dân và hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang sẽ có nhiều khởi sắc hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, vững bước tiến lên trong đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.   

Với những tình cảm thân ái, quý trọng và niềm tin sâu sắc, chúc Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII thành công tốt đẹp.

Chúc quý đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt.

.
.
.