.
ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG:

Quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội X

Cập nhật: 09:38, 23/10/2018 (GMT+7)

Ngày 22-10, Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức hội nghị sơ kết hai năm rưỡi thực hiện Nghị Quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ 2015-2020. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, đơn vị tỉnh Tiền Giang và đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị đã tập trung thảo luận nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020; qua đó, đề ra những giải pháp chủ yếu để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ tỉnh và góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền đã có sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đồng thời, phát huy tốt vai trò tích cực của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, các cấp, các ngành luôn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết gắn với tình hình thực tế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đi đôi với việc xem xét, giải quyết những vấn đề bức xúc đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, qua nhiều năm và ngay cả những vấn đề bức xúc do tình hình thực tế đặt ra.

Kết quả là nửa nhiệm kỳ qua, tổng thể về kinh tế - xã hội, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị là khá toàn diện, với những kết quả đáng phấn khởi. Trong đó, nền kinh tế của tỉnh đang ở đà phát triển ổn định, theo hướng bền vững, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm đều đạt và vượt so với Nghị quyết - năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh: năm 2017 thực hiện 2,49 tỷ USD, đạt 106% (Nghị quyết 2,35 tỷ USD); dự kiến năm 2018 thực hiện 2,65 tỷ USD, đạt 100% (Nghị quyết 2,65 tỷ USD). Số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá, năm 2017 thành lập mới 699 doanh nghiệp với vốn đăng ký 2.350 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2018 thành lập mới 545 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 3.470 tỷ đồng.

phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện 5 khâu đột phá của Nghị quyết đạt kết quả tích cực. Trong đó, về hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm kinh tế, đã hình 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh và đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Long Giang; tiếp nhận Khu Công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp về tỉnh quản lý, khai thác,...

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại ở cả đô thị và nông thôn, đã hoàn thành 23/50 công trình giao thông theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020. Đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như dự án Quảng trường trung tâm tỉnh, dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh (1.000 giường), dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Mỹ Tho và các dự án giao thông quan trọng.

Về tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh, bước đầu đã hình thành và phát triển cánh đồng lớn sản xuất lúa, các vùng chuyên canh rau quả chủ lực của tỉnh, phù hợp với từng vùng sinh thái... đặc biệt, thời gian qua đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trên 53 tấn vú sữa.

Về đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn, đã thực hiện nâng cấp thành phố Mỹ Tho lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh và thị xã Gò Công lên đô thị loại III; tỷ lệ đô thị hóa năm 2017 đạt 15,5%. Về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu phát triển, tư vấn chính sách, phản biện chính sách và các hoạt động hợp tác khác; liên kết với Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo bác sĩ theo địa chỉ...

Các chỉ tiêu còn lại của Nghị quyết về xã hội, về quốc phòng - an ninh và về công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị (có 12 chỉ tiêu) đến thời điểm này, chúng ta thực hiện đều đạt và vượt so với Nghị quyết và khả năng đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt mức so với Nghị quyết.

Tuy nhiên, hội nghị cũng xác định những hạn chế, khó khăn cần phải tập trung thực hiện. Đó là, về kinh tế, tuy các chỉ tiêu về thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, thành lập mới doanh nghiệp đều tăng và đạt được kết quả tích cực trong thực hiện 5 khâu đột phá, nhưng còn 3 chỉ tiêu có khả năng khó đạt:  chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người và chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Về xã hội, hiện nay và trong thời gian tới sẽ còn phát sinh những vụ việc phức tạp cần có sự tập trung cảnh giác.

Về công tác xây đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hội nghị nhìn nhận phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy đảng trên một số nội dung còn bất cập, chưa rõ người, rõ việc, rõ thời gian; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị có nơi còn chậm. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số cấp ủy, chính quyền có biểu hiện hình thức, dân chủ chưa thực sự đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; một số người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, chưa phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ.

Mặt khác, công tác quản lý, điều hành của chính quyền ở một số nơi chưa thật sự vững mạnh, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện; tinh thần thái độ thực thi công vụ, phục vụ của khá nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, còn gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Hội nghị xác định nhiệm vụ của 2 năm còn lại là vừa phải tập trung quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của Nghị quyết Đại hội; vừa triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương.

Mặt khác, phải tập trung ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các tổ chức đảng, các cấp, các ngành và các địa phương cần phải rà soát, sắp xếp công việc cho phù hợp, có cân nhắc cụ thể việc gì cần làm ngay, việc gì phải ưu tiên làm trước phải được tính toán kỹ và có bước đi phù hợp.

ừa đẩQuang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ với những nội dung cơ bản:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, các ngành và các địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, kế hoạch từ nay đến năm 2020, từ đó rút ra những việc cần tập trung, cần tháo gỡ đề ra giải pháp phù hợp, có phân công cụ thể cán bộ phụ trách, theo dõi để có sự chỉ đạo tập trung tốt nhất.

Thứ hai, phải xác định đúng, cụ thể thế mạnh kinh tế đặc thù của từng vùng trong tỉnh; phát triển kinh tế - đô thị của mỗi vùng phải gắn với mục tiêu, định hướng phát triển chung của tỉnh và mục tiêu, định hướng phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long,... đồng thời, phải tăng cường mối liên kết vùng; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phấn đấu đến năm 2020, đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển bền vững trong vùng Đồng Bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; các dự án sản xuất lúa, cây ăn trái, rau, chăn nuôi và thủy sản ứng dụng công nghệ cao; về phát triển sản xuất công nghiệp, cần chú trọng theo chiều sâu để tạo ra được những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ mới 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Thứ tư, các tổ chức đảng, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội. Thứ năm, giự vững quốc phòng - an ninh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Thứ sáu, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nòng cốt là Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực, chủ động phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng tổ chức, của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của đoàn viên, hội viên trong thực hiện nhiệm vụ về công tác dân vận nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm những vấn đề bức xúc trong xã hội.

Thứ bảy, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần phải thực hiện nghiêm việc đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác, trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, gắn với đẩy mạnh tiến độ thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 và Đề án, Kế hoạch của Tỉnh ủy.

THỦY HÀ

.
.
.