Những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X
Qua hơn hai năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, bên cạnh có những thuận lợi nhất định, cũng xuất hiện những nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Dù vậy, với sự đoàn kết và quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, các mục tiêu, kế hoạch đề ra đến năm 2020 đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu có khả năng thực hiện đạt và vượt ở cuối nhiệm kỳ.
Môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Thu ngân sách hằng năm đều vượt dự toán.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; công tác giảm nghèo đạt được kết quả tích cực.
Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai thực hiện. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chuyển biến tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới.
Công tác dân vận ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị có nhiều kết quả, đã tạo sự chuyển biến tích cực của cán bộ, đảng viên về giữ gìn đạo đức, lối sống, góp phần ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.
Về các chỉ tiêu cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh bình quân 3 năm (giai đoạn 2016 - 2018) ước đạt 7,9%; GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 47,5 triệu đồng. Tăng trưởng của Tiền Giang luôn ở tốp 3 tỉnh tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau tỉnh Trà Vinh và tỉnh Long An.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực của tỉnh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp cao vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Về phát triển doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh tăng nhanh (năm 2016 có 561 doanh nghiệp, năm 2017 có 640 doanh nghiệp và 6 tháng đầu năm 2018 có 378 doanh nghiệp), số doanh nghiệp đăng ký mới giai đoạn 2016 - 2018 là 1931, đạt 50,8% so với mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh với tổng số vốn gần 14.530 tỷ đồng, cùng với kết quả thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2017 và dự kiến năm 2018 tăng cao hơn so dự toán, góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư các công trình quan trọng, cấp thiết để thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy.
Việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sau 5 năm thực hiện Đề án (từ năm 2013), lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển dịch tích cực, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc đất lúa đan xen trong vùng cây ăn quả đã chuyển dần sang cây trồng khác thích nghi, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh các loại rau quả chủ lực của tỉnh, phù hợp từng vùng sinh thái.
Cuối năm 2018, diện tích cây ăn trái ước đạt trên 77.300 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn, có những chủng loại cây ăn trái cho lợi nhuận rất cao, từ 600 triệu đồng đến 820 triệu đồng/ha; diện tích canh tác lúa 76.678 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn, lợi nhuận bình quân 28,1 triệu đồng - 41 triệu đồng/ha/năm, so với thời điểm năm 2013 (trước khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp) lợi nhuận đã tăng thêm 9,8 triệu đồng/ha...
Về xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm qua, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp hiệu quả đã trở thành phong trào thiết thực, có chất lượng, sâu rộng trong nhân dân. Cuối năm 2015, chỉ có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 41/144 xã đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến phấn đấu đến cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đến cuối năm 2018 có trên 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Về phát triển 3 vùng kinh tế - đô thị, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 10, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh thành lập Tổ nghiên cứu và ban hành Chương trình hành động, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu, có phân công nội dung công việc, tiến độ thực hiện.
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước thì hệ thống giao thông đường bộ của Tiền Giang tương đối phát triển, có đường cao tốc, các tuyến quốc lộ kết nối thuận lợi trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐĐSCL.
Thu ngân sách năm 2016 đạt 6.683 tỷ đồng, năm 2017 đạt 7.361 tỷ đồng, 9 tháng của năm 2018 đạt 6.292 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 6.038 tỷ đồng (xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, sau tỉnh Long An, TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang), ước cả năm 2018 đạt 8.726 tỷ đồng, cao hơn năm 2017 hơn 1.360 tỷ đồng. Đây là giai đoạn tăng thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 năm ước đạt 7,26 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,7%/năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu 3 năm ước đạt 3,967 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,4%/năm.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm; quy mô trường lớp, học sinh các cấp học tiếp tục ổn định; phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố...
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân được thực hiện tốt và ngày càng được nâng cao; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được tổ chức giám sát, kiểm tra thường xuyên (số cơ sở được kiểm tra đạt tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ trên 93%). Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các dịch lớn; các bệnh truyền nhiễm xảy ra ở mức độ thấp hoặc không xảy ra, không gây thành dịch.
Về công tác giảm nghèo, đến nay giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,02% năm 2016 xuống còn 4,37%; ước thực hiện đến cuối năm 2018 là 3,69%.
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và từng bước đạt được nhiều kết quả quan trọng: Giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kịp thời, có lý, có tình theo quy định pháp luật, đặc biệt là giải quyết các vụ việc phức tạp đông người; giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài và không để phát sinh mới vụ việc phức tạp, đông người...; qua đó đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững. Chủ động nắm tình hình, triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm.
Công tác xây dựng Đảng đã tạo nguồn, bồi dưỡng 4.288 cảm tình Đảng; kết nạp 4.285 đảng viên, đạt 65,92% so Nghị quyết nhiệm kỳ. Giới thiệu 85.800 lượt đảng viên về giữ mối liên hệ với cấp ủy và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Hằng năm có 90,19% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (vượt 5,19% so với Nghị quyết), trong đó có 48,64% đạt trong sạch, vững mạnh và có 99,59% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó có 93,27% hoàn thành tốt nhiệm vụ.
T.H