Thứ Ba, 02/10/2018, 08:11 (GMT+7)
.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri:

Cử tri lo lắng tình hình tội phạm ngày càng tăng

Ngày 1-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Võ Văn Bình, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Mai đã có đợt tiếp xúc cử tri ở một số xã thuộc huyện Châu Thành, huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công.

Tại mỗi nơi tiếp xúc, ĐBQH tỉnh đã thông báo những nội dung dự kiến Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 22-10 đến ngày 20-11. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến 6 dự án luật, xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác...

* Cử tri kiến nghị sớm hoàn thành các tuyến giao thông nông thôn

Sau khi nghe báo cáo, cử tri có ý kiến liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, vấn đề nhiều cử tri xã Long Định (huyện Châu Thành) quan tâm là tiến độ thực hiện đường kinh Kháng Chiến và đường lộ Dây Thép. Cử tri đề nghị lãnh đạo huyện cho biết khi nào làm xong để dân đi lại thuận lợi.

Giải trình với cử tri về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định 4 khâu đột phá của huyện là phát triển đô thị, phát triển thương mại - dịch vụ, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong đó, phát triển hạ tầng là 1 trong 4 khâu quan trọng huyện đang tập trung thực hiện. Đường kinh Kháng Chiến nằm trên địa bàn 3 xã Long Định, Nhị Bình và Điềm Hy, huyện đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn theo lộ trình đến năm 2025, với tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng.

Hiện nay, dự án này đã có hồ sơ, nhưng do nguồn vốn còn khó khăn nên huyện đang chờ tỉnh và Trung ương. Nếu tranh thủ được nguồn vốn thì huyện sẽ triển khai dự án vào năm 2019.

Cử tri xã Long Định (Châu Thành) phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri
Cử tri xã Long Định phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri.

Đối với đường lộ Dây Thép, huyện đã đề xuất về tỉnh và đã được Sở Giao thông vận tải đưa vào quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh đến năm 2030. Chiều dài tuyến đường đi qua địa bàn huyện Châu Thành trên 10 km (giáp với TX. Cai Lậy) với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng.

Hiện nay, TX. Cai Lậy đã đầu tư đoạn từ đường lộ 33 đến đoạn cầu số 2, huyện Châu Thành cũng đang thực hiện tuyến đường này. Tuy nhiên, do đường liên vùng nên nguồn vốn lớn cần phải làm trong thời gian dài.

Trước đây, huyện đã đầu tư được một đoạn từ Trung tâm Văn hóa của huyện đến Đại đội Tăng thiết giáp. Hiện nay UBND tỉnh tìm mặt bằng để di dời Đại đội Tăng thiết giáp, sau khi di dời sẽ giao mặt bằng với tổng diện tích khoảng 12,7ha cho đơn vị thi công.

Về phía huyện, huyện đang áp giá bồi thường 1,9 km, đoạn từ cổng Đại đội Tăng thiết giáp đến kinh Quảng Thọ và dự kiến đến năm 2020 hoặc năm 2021 đoạn đường này mới có thể hoàn thành. Đây là tuyến đường quan trọng phát triển kinh tế vùng Đông Bắc và kết nối để khai thác Khu công nghiệp Long Giang nhằm phát triển kinh tế của huyện. Tuy nhiên, do nguồn vốn lớn nên đầu tư cần có lộ trình...

* Cử tri lo lắng tình hình tội phạm ngày càng tăng

Ông Bùi Văn Sáu, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông lo lắng: “Thời gian gần đây, hình hình tội phạm ngày càng tăng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ trọng án, gây hoang mang cho người dân; trong đó, tội phạm ma túy ngày càng lộng hành. Tôi đề nghị Quốc hội đưa ra giải pháp, điều chỉnh biện pháp xử lý nghiêm các loại tội phạm này, nhất là tội phạm ma túy cần trừng trị nghiêm khắc”.

Trả lời vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Võ Văn Bình cho rằng, đối với các vụ trọng án trên địa bàn tỉnh, thời gian qua các lực lượng chức năng của tỉnh đã kịp thời phá án, nhanh chóng bắt các đối tượng gây án.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội: Do ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến các chuẩn mực xã hội, giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, khoảng cách giàu nghèo tăng, số người thất nghiệp cao... Đồng thời, sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội với sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy... đã làm suy thoái đạo đức một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là thanh thiếu niên. Vì thế, ngoài các lực lượng chức năng, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính quyền và nhân dân trong việc đề cao cảnh giác, phòng, chống tội phạm.

* Cử tri lo lắng về chất lượng giáo dục

Việc tổ chức thực hiện giảng dạy tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) như một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua làm cho nhiều cử tri lo lắng. Ông Phan Văn Hốt, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông thắc mắc: “Theo tôi, việc cải cách phương pháp dạy học vừa qua là chưa phù hợp. Có nhiều học sinh vào lớp 1 rất khó với việc tiếp cận TV1-CNGD. Bên cạnh đó, mỗi năm chỉ tiêu vào các trường đại học, cao đẳng rất đông, dẫn đến học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm. Các vấn đề này Quốc hội cần nghiên cứu và có giải pháp cho ngành Giáo dục”.

Tiền Giang đã thí điểm giảng dạy tài liệu TV1-CNGD 5 năm
Tiền Giang đã thí điểm giảng dạy tài liệu TV1-CNGD 5 năm.

Hiểu được nỗi lo lắng của cử tri, đồng chí Võ Văn Bình cho rằng, theo quy định thì bậc mầm non không dạy chữ, nhưng hiện nay các em khi vào lớp 1 thì đã biết đọc, biết viết theo phương pháp cũ, nên khi tiếp cận TV1-CNGD rất bỡ ngỡ và khó tiếp thu.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, từ năm học 2013 - 2014 tỉnh đã thực hiện thí điểm và nhân rộng việc giảng dạy tài liệu TV1-CNGD tại 13/226 trường tiểu học. Năm học 2014 - 2015, tỉnh tiếp tục triển khai thí điểm tại 18/224 trường tiểu học; năm học 2015 - 2016 là 125/224 trường tiểu học.

Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, việc giảng dạy tài liệu TV1-CNGD được triển khai đại trà tại 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, với trên 32 ngàn học sinh tham gia học tập. Cả nước có 46/63 tỉnh, thành thực hiện dạy tài liệu TV1-CNGD. Theo đánh giá hằng năm, việc giảng dạy tài liệu TV1-CNGD đã đem lại những kết quả cụ thể.

Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Bình cho rằng, cả nước có trên 200.000 học sinh, sinh viên và Tiền Giang có hơn 4.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm. Nguyên nhân do sự phân luồng chưa hợp lý, tâm lý của nhiều phụ huynh muốn con em mình có bằng đại học, cao đẳng.

Hiện tại, có nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ cần đăng ký, đóng tiền là vào học, chất lượng giáo dục không hiệu quả, nên khi ra trường nhiều đơn vị, doanh nghiệp không nhận vào làm việc. Vì thế, trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục nghiên cứu phân luồng cho học sinh ngay khi tốt nghiệp Trung học cơ sở. Các bậc phụ huynh không nên ép con mình phải vào đại học, cao đẳng, mà chọn học theo học lực và sở thích của các em.

Ngoài ra, tại các điểm tiếp xúc, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, kiến nghị của cử tri đều được lãnh đạo xã, huyện và đại biểu Quốc hội tỉnh giải đáp đầy đủ.

HOÀI THU - P. MAI

.
.
.