Giải trình trước Quốc hội về việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm
Giải trình về việc xây dựng nhà hát không ảnh hưởng đến các phúc lợi xã hội khác, Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, từ năm 1975 đến nay, TP chưa xây nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch nhưng đã xây hàng chục bệnh viện và hàng trăm trường học.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội trường |
Chiều 29-10, trong phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã có phát biểu về vấn đề Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch TPHCM.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cảnh báo về phong trào xây dựng nhà văn hóa, nhà hát ở các địa phương gây lãng phí, không cần thiết. “Chính phủ phải có thái độ quyết liệt, không nên dĩ hòa vi quý. Chúng tôi đã nhận được báo cáo của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TPHCM nhưng tôi cho rằng nhà hát Thủ Thiêm không phải cứ được phê duyệt là xây. Chính phủ phê duyệt từ 2013 nhưng không phải xây lúc này. Đầu tư giáo dục, y tế, giao thông cũng không biết bao nhiêu là đủ. Thủ tướng cần cẩn trọng xem xét các dự án của các tỉnh thành hiện nay, cái nào không hợp lòng dân thì nên dừng lại, đừng dĩ hòa vi quý”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu.
Ngay sau ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, đoàn ĐBQH TPHCM dù đã có báo cáo gửi ĐBQH nhưng vẫn xin được giải trình thêm trước Quốc hội về quyết định của HĐND TPHCM về xây dựng nhà hát Thủ Thiêm.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc cân đối vốn để xây nhà hát đã được HĐND TPHCM cân đối sự phát triển bảo đảm hài hòa các lĩnh vực của TPHCM, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Văn hóa là lĩnh vực mà lãnh đạo và Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM trong các kỳ đại hội đều nhận định là chưa có đầu tư đúng mức.
Đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến 2020, trong đó có nêu Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TPHCM là dự án ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố trong giai đoạn 2011-2015. Nhưng do chưa xác định được vị trí để tạo sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau nên đến nay, lãnh đạo TPHCM, HĐND TPHCM mới quyết định xây dựng nhà hát. Từ chủ trương đầu tư và để tiến hành các thủ tục thì cũng mất từ 1-5 năm thì mới có thể hoàn thành nhà hát, giải ngân vốn theo từng giai đoạn.
“Còn vấn đề Thủ Thiêm thì lãnh đạo TPHCM vẫn đang tiếp tục đồng hành để giải quyết một cách thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân Thủ Thiêm đúng như quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn của TPHCM. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng đang tập trung rất quyết liệt để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vụ này theo kết luận của Thanh tra Chính phủ”, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo của đoàn ĐBQH TPHCM gửi đến ĐBQH khẳng định, chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TPHCM không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân khiếu nại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, nguồn vốn xây dựng nhà hát khoảng 1.500 tỷ đồng được TP dành riêng từ năm 2014, không sử dụng cho mục đích khác. Lẽ ra nhà hát phải được khởi công xây dựng từ trước 2015.
Văn bản cũng nêu rõ, sau khi đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra một số nội dung liên quan khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 4-9-2018, TPHCM đã khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp để thực hiện kết luận. Từ tháng 5 đến tháng 10-2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã họp 6 phiên để giải quyết các vấn đề liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Các chi phí cần thiết để đền bù thiệt hại cho các hộ dân liên quan, thực hiện tái định cư với điều kiện sống tốt hơn sẽ được lấy từ ngân sách dự trữ của TP năm 2018 và ngân sách năm 2019 của TP sau khi được HĐND TP thông qua.
Giải trình thêm rằng việc xây dựng nhà hát không ảnh hưởng đến các phúc lợi xã hội khác, Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, từ năm 1975 đến nay, TP chưa xây nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch nhưng đã xây hàng chục bệnh viện và hàng trăm trường học.
Trong khi đó nhà hát sẽ phục vụ nhu cầu văn hóa và chính trị của hơn 10 triệu người thành phố và 33 triệu người dân phía Nam cũng như bạn bè quốc tế đến giao lưu, tham quan và du lịch tại TPHCM.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng trình bày, vị trí nhà hát được dự kiến đã thay đổi 3 lần nhằm tìm ra vị trí phù hợp nhất, từ 23 Lê Duẩn (2008) đến Công viên 23-9 (2013) và năm 2016 là đặt tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
(Theo sggp.org.vn)