Thứ Tư, 03/10/2018, 16:10 (GMT+7)
.

Hội nghị Trung ương 8: Thảo luận sâu sắc tình hình kinh tế-xã hội

a
Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), sáng 3/10, Trung ương thảo luận tại Hội trường về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận.

Các Ủy viên Trung ương cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; đồng thời tập trung phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề, đóng góp ý kiến về phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.

Dự báo sát, đúng để có quyết sách phù hợp

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, năm 2018 tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tình hình biển Đông cũng có những diễn biến mới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, như lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra ở cả ba miền. Tình hình ấy tác động, chi phối sâu sắc đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan, đoàn thể xã hội, 9 tháng đầu năm cũng như dự kiến năm 2018 có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, làm phát được kiềm chế, các mục tiêu an sinh xã hội đã được thực hiện tốt, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, củng cố.

“Chúng ta bảo vệ được vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng tăng lên,” Thượng tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Bế Xuân Trường, tình hình từ nay đến năm 2020 còn nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề quan trọng nhất chính là dự báo được môi trường chiến lược cho sát, đúng, có quyết sách phù hợp, không để bị động, bất lợi thì mới có thể thực hiện được các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như năm 2019 và đến năm 2020.

Làm chủ công nghệ - vấn đề cốt tử

Thượng tướng Bế Xuân Trường phân tích, chúng ta đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình cần có sự đột phá. Vấn đề cốt tử nhất là tập trung ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Chỉ có công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao mới tạo ra năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Quan trọng nhất là phải làm sao nghiên cứu, làm chủ được thiết kế, làm chủ được công nghệ lõi, làm chủ được kỹ thuật để bứt phá. Vừa qua, trong nông nghiệp, công nghiệp, các nhà khoa học, các viện đã nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng cao và hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu được tới một số nước, đây là những điểm rất sáng.

Theo Thượng tướng Bế Xuân Trường, trong 3 đột phá chiến lược (thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực), thể chế là quan trọng nhất, làm sao để huy động được nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cũng là cơ chế, làm sao thu hút được người tài, phát huy được người tài. Đây là vấn đề cả xã hội rất quan tâm, để làm sao nền kinh tế đất nước bứt phá lên. Kinh tế đất nước bứt phá, chính là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, bản chất của chế độ.

Đánh giá toàn diện, sâu sắc một số chủ trương lớn

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh, trong điều kiện tình hình đất nước có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, gây thiệt hại đến tình hình sản xuất, đời sống và việc làm của nhân dân, nhưng tình hình kinh tế-xã hội đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, dự báo hầu hết các chỉ tiêu đều thực hiện đạt và vượt, đây là kết quả sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là Chính phủ đã thể hiện tinh thần quyết liệt, đổi mới, sâu sát, quan tâm đến các địa phương, đặc biệt là các địa bàn khó khăn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn một số tồn tại, nổi lên là việc giải ngân vốn đầu tư công, thủ tục liên quan đến một số bộ, ngành còn chậm. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường phân cấp cho các địa phương rất mạnh, nhưng thực tế có nhiều vấn đề chưa được thực hiện, vì vậy nhiều thủ tục đang còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Vẫn còn thiếu quy hoạch vùng, cơ chế chính sách thu hút liên kết ngành chưa hoàn thiện, chưa có sự phân cấp, chủ trì, điều phối nên một số miền còn thiếu sự liên kết, "mạnh ai nấy chạy."

Nhất trí với các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp mà Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ ra, đại biểu đề nghị Trung ương cần đánh giá giữa nhiệm kỳ khóa XII, trong đó tập trung đánh giá toàn diện, sâu sắc một số chủ trương lớn như việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng... làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được để từ đó rút kinh nghiệm cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời có cơ sở cho Đại hội XIII sắp tới.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần sớm sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai (sửa đổi); Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc xử lý các loại tài sản công, để khơi thông cho các địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường. Bài học kinh nghiệm lớn vừa qua là dự án Fomosa Hà Tĩnh. Hiện có nhiều dự án công nghiệp, cần thiết ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao thân thiện với môi trường.

Dồn lực cho công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dồn lực cho công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng tưởng, xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam hướng tới mục tiêu chiến lược là nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Học viện Nông nghiệp vừa qua.


Đánh giá những kết quả mà đất nước đã đạt được trong thời gian vừa qua, ông Thào Xuân Sùng cho rằng nội lực của đất nước, nhất là kinh tế tư nhân đã được phát huy ở mức độ cao, chúng ta đã đứng vững trên đôi chân của chính mình, việc thu hút FDI có sự lựa chọn. Dựa trên những phân tích, tổng hợp, đồng chí kiến nghị năm 2019, Quốc hội nên đặt chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm trong nước) tăng từ 6,7-6,9% và kỳ vọng có thể cao hơn là 7%.

"Tôi cho rằng GDP từ 6,7-6,9% là hoàn hoàn có thể đạt được... Tôi tin tưởng năm 2019 là năm chúng ta sẽ tăng tốc" - ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh. Ông Sùng kiến nghị cần dồn lực tập trung, không dàn trải, để chúng ta có bước ngoặt trong phát triển. Như vậy, cốt lõi tăng trưởng 6,7-6,9% là cần thay đổi cách sử dụng đất nông nghiệp và chuỗi giá trị nông nghiệp, "chúng ta phải phát triển mạnh nền nông nghiệp hiện đại với sự kết nối mạnh mẽ giữa các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh đầu tàu."

Ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể công nghiệp hóa một chiều mà phải công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn mạnh mẽ để cân đối lực lượng lao động, hướng tới xây dựng nông thôn mới.”

Nêu thực trạng tại một số địa phương, tỷ lệ nông dân bỏ ruộng nhiều vì manh mún, nhỏ lẻ, kinh doanh không hiệu quả, không tích tụ được ruộng đất, không kết nối, liên kết được, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị cần phân tích, từ đó xác định tốc độ tăng trưởng; rà soát quy hoạch ở vùng sản xuất lúa hợp lý trên cơ sở ổn định diện tích lúa hiện nay đã được Quốc hội quyết định, cho phép các tỉnh, thành phố có thể chuyển đổi một phần diện tích nhất định để nuôi, trồng những cây có giá trị kinh tế cao trong vòng từ 7-15 năm, khi cần thiết đưa lại những diện tích này để sản xuất lúa nhưng phải là lúa công nghệ cao, chất lượng cao, phù hợp cho xuất khẩu. Như vậy, chúng ta sẽ tập hợp đoàn kết được nhân lực ở nông thôn, cũng như các doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị cần dồn sức để xây dựng hợp tác xã, nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn, đưa sản xuất nông nghiệp đạt mục tiêu yêu cầu đề ra; hoàn thiện thể chế chính sách để liên kết 6 nhà thành công, trong đó khuyến khích các hộ nông dân cho thuê đất nông nghiệp hoặc góp giá trị quyền sử dụng đất mà ko cần chuyển đổi quyền sở hữu ruộng đất, tạo điều kiện cho các hộ nông dân đạt lợi thế về quy mô, giảm chi phí, như vậy các hộ sẽ đồng tình ủng hộ, tạo ra sức mạnh nội lực./.

(Theo TTXVN)

 

.
.
.