Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo: Không "chấm điểm" chỉ theo báo cáo
Việc lấy phiếu được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Chiều nay, 24/10, Quốc hội đã chính thức thông qua danh sách 48 lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần này. Ngày mai 25/10, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trong số các chức danh lấy phiếu tín nhiệm đợt này, khối Chủ tịch nước có 1 người, khối Quốc hội có 18 người, khối Chính phủ có 26 người cùng với Chánh án Toàn án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Việc lấy phiếu được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của từng người với ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Báo cáo chưa đủ thông tin
Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm có nội dung về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tự đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương, cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là việc làm đột xuất, công việc này đã được các đại biểu theo dõi, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, khi Quốc hội bầu vào các vị trí.
Bên cạnh việc việc “chấm điểm” dựa trên các yếu tố: Có hoàn thành nhiệm vụ không, quyền hạn có sử dụng đúng không, đại biểu Vũ Trọng Kim còn đặc biệt quan tâm tới việc kê khai thu nhập, tài sản có gì bất thường không? Thu nhập, tài sản có vượt quá mức xứng đáng được nhận không?
“Việc này nhân dân cũng theo dõi, do đó việc giải trình rất quan trọng, tạo điều kiện cho 48 người được lấy phiếu tín nhiệm có điều kiện trình bày. Nhưng tôi chưa thấy có sự trình bày cụ thể về vấn đề này. Bản kiểm điểm của những người lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới các đại biểu, nhưng trong đó ít người nói tới vấn đề tài sản,” đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Nai, cũng trăn trở: “Mỗi một đối tượng gửi cho đại biểu Quốc hội một bản báo cáo dài 4 trang về những việc mình làm. Thế nhưng ai là người thẩm định, chưa nói tới vấn đề tài sản sau này, làm sao đại biểu Quốc hội có thể xác minh.”
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình, bày tỏ băn khoăn về việc một số Bộ trưởng chỉ nêu thành tích đạt được của mình mà không nếu những khó khăn, vướng mắc cũng như giải pháp trong thời gian sắp tới.
“Lấy phiếu tín nhiệm với các đối tượng, điều căn cứ đánh giá là hoạt động thực tế trong thời gian vừa qua mà tôi theo dõi, giám sát, chất vấn và lời hứa trước người dân, căn cứ vào báo cáo kết quả thực hiện đã gửi cho các đại biểu. Đồng thời đưa vào ý kiến và đánh giá của người dân về các bộ trưởng, những người được bỏ phiếu tín nhiệm,” đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Trách nhiệm với từng lá phiếu
Một số đại biểu biểu cũng còn băn khoăn về ba mức tín nhiệm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động quan trọng, có giá trị đặc biệt để kiểm soát quyền lực các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
“Mỗi khóa 5 năm chỉ bỏ phiếu một lần giữa nhiệm kỳ sẽ không đánh giá được đầy đủ, chính xác năng lực của các chức danh. Về lâu dài, tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét để việc đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên hằng năm,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn.
Mặt khác, ba mức đánh giá khi lấy phiếu cũng là điều khiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn: “Chúng ta chỉ có ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Vậy những người không được tín nhiệm thì sao? Lâu nay đã có ý kiến đề xuất chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Nhiều nước trên thế giới cũng chỉ có hai mức đánh giá ấy.”
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng thẳng thắn chỉ ra rằng làm sao có thể đánh giá nếu nhìn vào bản báo cáo, có lẽ vẫn phải dựa vào dư luận xã hội. Tuy nhiên, có những lĩnh vực quá sát với bức xúc của người dân, phải thông cảm với nhiều Bộ trưởng ở những lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp, gần với đời sống người dân như giáo dục, y tế, giao thông.
“Rất khó để đánh giá tuyệt đối về tín nhiệm bằng con số, định lượng. Đừng xoay một cách ‘tuyệt đối’ rằng vị này phiếu tín nhiệm cao nhất là uy tín nhất, thấp nhất là không uy tín nhất. Tôi cho rằng đừng coi quyền năng là định đoạt mà thực ra nhưng lá phiếu này là sự nhắc nhở,” đại biểu Dương Trung Quốc.
Mỗi đại biểu Quốc hội đều dựa trên nhiều kênh thông tin để có thể đưa ra đánh giá một cách công tâm về lá phiếu tín nhiệm. Mỗi lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đều chứa đựng sức nặng của niềm tin mà cử tri đã trao gửi. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về những cơ sở thông tin để đưa ra quyết định cho mỗi phiếu bầu.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị, cho rằng đánh giá tín nhiệm là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và trách nhiệm này là ngang nhau với mỗi đạo biểu, thể hiện bằng mỗi lá phiếu.
Nhưng diện chức danh được lấy phiếu rất rộng - 48 người, nên đòi hỏi đại biểu Quốc hội cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức, nắm bắt được toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm./.
Việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thực hiện đúng theo quy định của Nghị quyết số 85/2014/QH13.
Theo Điều 10 Nghị quyết số 85/2014/QH13 quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
(Theo TTXVN)