Những "cái được" qua nửa nhiệm kỳ lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế
Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP- giá 2010) bình quân giai đoạn 2016 -2020 tăng từ 8,5- 9,5%. Cụ thể, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người là 2.630USD, xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, thu ngân sách 9.013 tỷ đồng; doanh nghiệp thành lập mới trong 5 năm là 3.725; xã đạt chuẩn nông thôn mới là 72...
Hội nghị xúc tiến đầu tư 2018 - một "điểm nhấn" thành công của Tiền Giang trong nửa nhiệm kỳ . Ảnh: D.N |
Để hiện thực các chỉ tiêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp dựa trên nguyên tắc: đồng thuận, đồng bộ và linh hoạt. Đồng thuận đây là sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị; thống nhất từ quy hoạch đến ra Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, rồi kế hoạch hành động của UBND tỉnh và các ngành; trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể linh động điều chỉnh, cho phù hợp để đạt các mục tiêu đề ra. Ngoài ra để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thì việc phân công, giao việc thật cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên cũng là một nguyên tắc mang “tính mới” trong lãnh đạo, điều hành.
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh (thứ ba từ phải sang) thăm hỏi người dân tránh cơn bão số 16 ở Gò Công Đông. Ảnh: S.N |
Với những nguyên tắc trên, những năm đầu của nhiệm kỳ đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong các ban ngành, địa phương. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; nhiều công việc đã để lại dấu ấn trong nửa đầu nhiệm kỳ.
Đó là việc chống hạn khu vực phía Đông, đưa nước sạch về “huyện đảo” Tân Phú Đông, là cuộc “diễn tập” ứng phó với cơn bão số Tembin 2017; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điềm; là việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN).... Và mới đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư được đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, “điểm nhấn” tạo tiền đề phát triển của nhiệm kỳ và định hướng cho những năm tiếp theo là các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy. Đó là Nghị quyết 06 về hỗ trợ phát triển DN, Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng trong tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 11 về phát triển du lịch.
Cùng với đó là những hội nghị, hội thảo chuyên đề như: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cấu trúc ngành Công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, khởi nghiệp…. đã tạo nền cho sự phát triển có yếu tố bền vững hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (trái) khảo sát tình hình nước sạch, sau khi nước được đưa về huyện Tân Phú Đông. Ảnh: N.T |
Ngoài ra, dấu ấn trong nửa nhiệm kỳ còn thể hiện qua phong cách lãnh, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, đó là việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể ngay từ đầu nhiệm kỳ, và từ đầu năm; phân công giao việc, chỉ tiêu cụ thể cho cơ quan, đơn vị, xác định rõ thời gian, tiến độ thực hiện. Sau đó là tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, giám sát, nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời và qua đó đánh giá khả năng của các tổ chức, cá nhân lãnh đạo. Đặc biệt là việc hội họp đã được cải tiến theo hướng thực chất, hiệu quả hơn.
Những “cái được” trong chỉ đạo, điều hành đã chuyển hóa thành những con số cụ thể khá lạc quan trong nửa nhiệm kỳ như: Tốc độ tăng GRDP năm 2017 Tiền Giang đứng thứ ba khu vực ĐBSCL; thu ngân sách năm 2017 cao hơn 1.988 tỷ đồng so với năm 2015, bình quân năm sau cao hơn năm trước 994 tỷ đồng. DN thành lập mới năm 2015 là 494 DN, năm 2016 là 560 DN, năm 2017 là 640 DN. Xã nông thôn mới (NTM) năm 2015 toàn tỉnh có 12 xã đạt chuẩn, năm 2016 nâng lên 24 xã, năm 2017 40 xã, chỉ tiêu đến cuối năm 2018 tăng lên 63 xã….
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, kinh nghiệm rút ra trong công tác điều hành trong thời gian qua là đã thống nhất nhận thức và hành động từ tỉnh đến cơ sở; là quyết tâm cao nhưng thực tế, không chủ quan; là xác định rõ lộ trình cụ thể để đạt từng mục tiêu đề ra, trong đó xác định rõ công việc nào ưu tiên làm trước, nhân tố nào là quyết định, xây dựng thí điểm tạo sự lan tỏa của các mô hình. Ngoài ra, phương thức lãnh, chỉ đạo " từ dưới lên ", tức đi từ thực tế cơ sở để có những quyết sách phù hợp thực tiễn cũng là “nét mới” của nhiệm kỳ.
Trên tinh thần đó, nửa nhiệm kỳ còn lại, Tiền Giang phấn đấu giữ vững vị trí tốp 3 về tăng trưởng cao khu vực ĐBSCL; giữ vững vị trí thứ 2 khu vực ĐBSCL về xuất khẩu, cố gắng rút ngắn về kim ngạch xuất khẩu với Long An. Giữ vững vị trí số 1 về thu hút khách du lịch quốc tế khu vực ĐBSCL, nâng cao giá trị gia tăng trong ngành Du lịch.
Phấn đấu DN thành lập mới đứng thứ 3 ĐBSCL, năm 2021 tự cân đối ngân sách. Ngoài ra, cố gắng đến năm 2020 là một trong những tỉnh tiêu biểu về xây dựng NTM của vùng ĐBSCL, ước đến năm 2020 sẽ có 100 xã đạt chuẩn NTM, hướng tới 100% xã NTM vào năm 2023.
DUY SƠN