Thứ Năm, 15/11/2018, 19:58 (GMT+7)
.

Đại biểu Lê Quang Trí có ý kiến về dự án Luật Kiến trúc

(ABO) Ngày 14-11, Quốc hội làm việc ở hội trường để thảo luận về dự án Luật Kiến trúc. Đại biểu Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Luật, và cho rằng việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong hoạt động kiến trúc trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc, góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Đồng thời, đại biểu Lê Quang Trí phát biểu ý kiến để hoàn thiện hơn về các quy định của Luật ở một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, quy định chính sách của Nhà nước về kiến trúc: Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều về chính sách của Nhà nước về kiến trúc bao gồm các nội dung nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy nền kiến trúc Việt Nam, cụ thể quan tâm các quy định sau:

Một, quy định chính sách để xây dựng và phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư, đảm bảo các tổ chức này đủ năng lực, uy tín trong đánh giá, chứng nhận, giám sát việc phát triển nghề nghiệp, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của hội viên như nhiệm vụ của tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư được quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này.

Hai, quy định chính sách của Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích 30 trường đại học hiện nay có đào tạo kiến trúc sư, đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế để đào tạo các kiến trúc sư có khả năng sáng tạo ý tưởng và chủ nhiệm đề án, khắc phục tình trạng trong thời gian vừa qua còn nhiều thiết kế kém chất lượng, thiếu tính khoa học, phá vỡ kiến trúc cảnh quan, tạo ra các công trình có chi phí xây dựng cao và vận hành tốn kém.

Ba, quy định chính sách để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý kiến trúc đủ về số lượng, đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật.

Bốn, quy định ngân sách nhà nước đầu tư nghiên cứu các kiến trúc có giá trị, thiết kế các mẫu kiến trúc phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, tập quán văn hóa của từng vùng trong cả nước và Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả của các mẫu thiết kế này.

Thứ hai, về nguyên tắc hoạt động kiến trúc tại Điều 4: Để khắc phục tình trạng còn nhiều công trình có kiến trúc, có giá trị nhưng bị xâm hại, không được bảo vệ, không được tôn tạo, nhiều công trình có kiến trúc phản cảm, không hài hòa trong cảnh quan chung, không an toàn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Điều 4 các nội dung như sau:

Một, đối với nội dung quản lý kiến trúc, cần bổ sung nguyên tắc bảo tồn các kiến trúc gắn liền với lịch sử dân tộc, vì các kiến trúc này có giá trị giáo dục thế hệ trẻ rất cao và góp phần khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Hai, đối với nội dung hành nghề kiến trúc, cần điều chỉnh, bổ sung nguyên tắc tuân thủ quy chế quản lý kiến trúc chung và quy chế quản lý kiến trúc chi tiết, đảm bảo an toàn, yêu cầu sử dụng và hài hòa.

Thứ ba, về phát triển nghề nghiệp liên tục tại Điều 17 và đạo đức hành nghề của kiến trúc sư tại Điều 18: trên cơ sở thống nhất quy định đối với tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư tham gia, đánh giá, chứng nhận, giám sát việc phát triển nghề nghiệp liên tục và đạo đức hành nghề của kiến trúc sư, để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam.

Nhưng nếu các tổ chức này không đủ năng lực thì việc đánh giá, chứng nhận việc phát triển nghề nghiệp liên tục và đạo đức hành nghề của kiến trúc sư là không đúng, không khách quan, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đội ngũ kiến trúc sư.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định đối với tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư để đảm bảo các tổ chức này hoạt động hiệu quả, minh bạch và khách quan.

Thứ tư, về quy chế quản lý kiến trúc tại Điều 10: Đây là nội dung rất quan trọng, làm cơ sở để cán bộ, công chức quản lý kiến trúc và đội ngũ kiến trúc sư hành nghề kiến trúc, góp phần phát triển nền kiến trúc Việt Nam một cách bền vững.

Do đó, để có các quy chế quản lý kiến trúc có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với từng khu vực, từng vùng, có đặc điểm điều kiện tự nhiên, tập quán, văn hóa khác nhau, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định vào quy chế quản lý kiến trúc như sau:

Một, đối với nội dung quản lý kiến trúc chung cần bổ sung các quy định chung về kiến trúc công trình, kiến trúc không gian và cảnh quan.

Hai, đối với nội dung quy chế quản lý kiến trúc chi tiết cần bổ sung các quy định cụ thể về kiến trúc công trình, kiến trúc không gian, cảnh quan phù hợp cho từng vùng có điều kiện tự nhiên, tập quán văn hóa khác nhau để đảm bảo nền kiến trúc Việt Nam thống nhất và đậm đà bản sắc dân tộc.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.