.
Đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang:

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học

Cập nhật: 21:33, 07/11/2018 (GMT+7)

Sáng 6-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi dự thảo Luật lần này tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách thực chất hơn. Đồng thời, đại biểu Lê Quang Trí đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể là:

Một, về xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo tại Điều 9: Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đào tạo, ngành đào tạo là rất cần thiết, nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc xếp hạng trung thực, khách quan, minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào điều này quy định về các tổ chức xếp hạng như điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức này... Vì nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở, tổ chức giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.

Hai, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại Điều 11: Tại điểm c khoản 2 của điều này quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển những vùng kinh tế trọng điểm và các vùng đặc biệt khó khăn.

Quy định như vậy là chưa đầy đủ, chỉ tập trung vào một số đối tượng, Luật cần quy định việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải phù hợp với mục tiêu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng và an ninh của đất nước.

Ba, về chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học tại Điều 12: Các nội dung quy định trong điều này khá đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều nội dung quy định còn mang tính nguyên tắc, không giao cho cơ quan nào quy định chi tiết, như vậy rất khó triển khai.

Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng phân ra những nội dung nào Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên đầu tư, những nội dung nào Nhà nước khuyến khích đầu tư.

Cụ thể, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư vào các cơ sở đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số... Đối với nội dung Nhà nước khuyến khích đầu tư như giao đất, miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học. 

Ngoài ra, trong điều này cần bổ sung chính sách để phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao trình độ chuyên môn cả về lý thuyết và thực tiễn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và lý luận chính trị. Vì thực tế hiện nay, một số cơ sở đại học rất khó đào tạo đội ngũ giảng viên, đặc biệt là tiêu chí về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ do Luật hiện hành không quy định chính sách này.

Bốn, về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh tại Điều 34: Thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 điều này quy định "Cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh", bởi quy định này phát huy tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học".

Tuy nhiên, để tránh tình trạng gần 200.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm như thời gian vừa qua, cần quy định trách nhiệm của bộ, ngành trong điều này.

Trong đó, giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu dự báo nhu cầu lao động của thị trường trong từng lĩnh vực, yêu cầu về số lượng cũng như trình độ thời gian từ 4 đến 6 năm tới; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học đã báo cáo, căn cứ vào nhu cầu lao động thị trường từ 4 đến 6 năm tới để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp, góp phần đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu của thị trường lao động.

Năm, về nhiệm vụ, quyền hạn người học tại Điều 60: Tại khoản 9 điều này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật và theo quy chế tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Vì các khoản quy định trong điều này là chưa đầy đủ và để phát huy tính tự chủ các cơ sở giáo dục đại học sẽ quy định bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn của người học trong quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị.

                                                                                  ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.