.

Long Hưng - vùng đất của niềm tin và khát vọng vươn lên

Cập nhật: 14:55, 23/11/2018 (GMT+7)

Cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở tỉnh Mỹ Tho đã lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân theo thiết chế dân chủ cộng hòa. Đây là thành tựu cơ bản, to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Tự hào thay, sự kiện trọng đại ấy của dân tộc ta diễn ra trên quê hương Tiền Giang anh hùng.

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 39 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-1979).                                       Ảnh: T.L
Lễ hội truyền thống kỷ niệm 39 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-1979). Ảnh: T.L

Ngày 23-11-1940, khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho chuyển căn cứ Tỉnh ủy từ vùng Ba U phía Bắc lộ Đông Dương (Quốc lộ 1A) đến đình Long Hưng, xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

Đình Long Hưng ở phía Nam lộ Đông Dương khoảng 2,5 km; lại ở vị trí trung tâm tỉnh Mỹ Tho - cách tỉnh lỵ khoảng 10 km về phía Tây, liên hoàn với các xã có lực lượng và cơ sở cách mạng mạnh, như các xã: Long Hưng, Thạnh Phú, Song Thuận, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Phú Phong, Bàn Long, Long Định thuộc quận Châu Thành. Chỉ cần qua lộ Đông Dương là tới xã Long Định và căn cứ Đồng Tháp Mười ở phía Bắc.

Tại đây, Ủy ban khởi nghĩa treo Cờ đỏ sao vàng 5 cánh trên ngọn cây bàng. Cờ đỏ sao vàng trở thành biểu tượng cho ý chí và mục tiêu khởi nghĩa là giành độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ cộng hòa quốc” cũng đã ra đời tại ngôi đình này (1).

Cùng với sự xuất hiện của Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ cộng hòa quốc, thiết chế dân chủ cộng hòa cũng được thể nghiệm ở tỉnh Mỹ Tho. Trong 22 ngày thực sự làm chủ (từ ngày 23-11 đến ngày 14-12-1940), sau đó duy trì thêm 27 ngày nữa (từ ngày 15-12-1940 đến ngày 12-1-1941) (2)…

Cụ thể là, trong 3 đêm làm việc khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 29-11 đến ngày 1-12-1940), Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã xét xử khoảng 10 phiên.

Trong các phiên xét xử, nhân dân và đồng chí “Bào chữa viên” đều thống nhất xin Hội đồng xét xử tha chết cho các bị cáo và được Hội đồng chấp thuận.

Việc làm của Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho để lại trong nhân dân dấu ấn sâu sắc về tính nhân văn của cách mạng.

Trong 49 ngày làm chủ, vừa thực thi các chính sách của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho, vừa chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng, nhân dân ta tự mình thực hiện quyền tự do, bình đẳng, đoàn kết và hành động dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, như tham gia phá kho lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, tham gia luận tội các bị cáo trong các phiên xét xử bọn ác ôn…

Chính những việc tự mình làm và thành tựu đạt được đã để lại dấu ấn sâu đậm của cuộc khởi nghĩa, của hơn 1 tháng thực hiện thiết chế dân chủ cộng hòa với nhân dân, một chính quyền dân chủ chủ trương đoàn kết dân tộc, khoan dung, kiên quyết chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; thể hiện sức mạnh của cách mạng, của chân lý, của niềm tin tất thắng.

78 năm đã trôi qua, cuộc khởi nghĩa năm 1940 vẫn sáng ngời trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Đó là tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho trong lãnh đạo khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng và Tòa án nhân dân cách mạng để thực thi nhiệm vụ, chức năng của mình trong bảo vệ chính quyền cách mạng.

Đó là bài học quý báu luôn được Đảng bộ phát huy trong các thời kỳ cách mạng. Nhớ về khởi nghĩa Nam kỳ thì không thể quên đình Long Hưng - cái nôi của cuộc khởi nghĩa trên đất Mỹ Tho, nơi làm rạng danh tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và đã một thời gây chấn động sự thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Và đình Long Hưng xứng đáng được xem là biểu tượng hào hùng, đậm chất tráng ca và sử thi của nhân dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) sẽ trường tồn mãi mãi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam. Long Hưng là vùng đất của niềm tin và khát vọng vươn lên của dân tộc ta.

LÊ VĂN TÝ

(1) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang: “Mỹ Tho - Gò Công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày
23-11-1940”, xuất bản năm 2001, phần phụ lục sau trang 159.
(2) Tỉnh ủy Tiền Giang - Viện Lịch sử Đảng bộ Trung ương: “Kỷ yếu Hội thảo khoa học - Mỹ Tho từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, xuất bản năm 2005, trang 59.

.
.
.