Thứ Bảy, 17/11/2018, 08:01 (GMT+7)
.

Phát huy vai trò MTTQ thực hiện giám sát và phản biện xã hội

Triển khai Quyết định 217 ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội, thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Thông qua hoạt động giám sát, công tác vận động xã hội, cộng đồng tham gia Chương trình xóa khó giảm nghèo được đẩy mạnh. (Trong ảnh: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Hải trao quà cho người nghèo).                        Ảnh: PHƯƠNG MAI
Thông qua hoạt động giám sát, công tác vận động xã hội, cộng đồng tham gia Chương trình xóa khó giảm nghèo được đẩy mạnh. (Trong ảnh: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Hải trao quà cho người nghèo). Ảnh: PHƯƠNG MAI

Những việc làm cụ thể, thiết thực về công tác giám sát là, hằng năm MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã họp và thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang và Thường trực HĐND tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch về giám sát trình Tỉnh ủy chấp thuận, được sự thống nhất của UBND tỉnh, sau đó đã triển khai trong hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến huyện và cơ sở thông suốt để tổ chức thực hiện.

Riêng năm 2017 và 2018, MTTQ đã xây dựng kế hoạch giám sát gồm 4 nội dung trọng tâm: (1) Về nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (2) Trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp công dân và thực hiện hòa giải ở cơ sở. (3) Việc vận động nhân dân đóng góp, quản lý và sử dụng các loại quỹ tại xã, phường và thị trấn. (4) Việc tổ chức thu gom và xử lý rác thải tại khu dân cư…

Qua tiến hành giám sát tại 34 đơn vị cơ sở thuộc 11 đơn vị huyện, thành, thị, về cơ bản các cơ sở đều thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuy nhiên, các đoàn giám sát cũng đã phát hiện một số nơi còn một số mặt hạn chế, được kiến nghị có giải pháp khắc phục.

Về phản biện xã hội, đã được cấp ủy và chính quyền cùng cấp yêu cầu MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nghiên cứu một số chủ trương và đề án về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng và an ninh. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức được 133 cuộc hội nghị để nghiên cứu các dự thảo văn bản, các đề án nêu trên; đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số nội dung chưa đầy đủ, chưa sát với thực tiễn, chưa toàn diện…, đã được lãnh đạo tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh các văn bản, chủ trương, đề án đúng theo quy định và phù hợp với thực tế.

Từ thực tiễn cho thấy, triển khai thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị là chủ trương đúng đắn, bởi thực hiện nhiệm vụ giám sát góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, những mặt tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội.

Trong tình hình mới hiện nay, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Quyết định 217 của Bộ Chính trị, ra sức phát huy mặt ưu điểm, tích cực; đồng thời, khắc phục các mặt hạn chế, yếu kém, thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả cao hơn, góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TRẦN BÌNH

.
.
.