Thứ Sáu, 09/11/2018, 15:29 (GMT+7)
.

"Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt..."

Cách đây 72 năm, ngày 9-11-1946 đã trở thành ngày đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam - ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bản Hiến pháp 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên, một “tài sản” đặc biệt của Nhà nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của dân, do dân và vì dân.

Xuất phát từ tư tưởng của Người, ngày 9-11 lại được khẳng định giá trị, khi chính thức được ghi nhận trong luật, bởi sáng kiến và sự tham mưu của ngành Tư pháp về “Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11”.

Học sinh Trường THPT Chợ Gạo và THPT Trần Văn Hoài tuần hành hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.                                                                                                                                                    Ảnh: MINH TÂM
Học sinh Trường THPT Chợ Gạo và THPT Trần Văn Hoài tuần hành hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh: Minh Tâm

Tháng 6-2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật số 14 - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2013.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam). Mục đích của ngày này nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

Ngày 7-11, UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018.

Đến nay, hầu hết các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và 55 trường học trên địa bàn huyện đã ban hành, thực hiện kế hoạch tổ chức “Ngày Pháp luật Việt Nam” bằng rất nhiều nội dung, hình thức phong phú như: “Ngày Pháp luật lồng ghép góp vốn xoay vòng”, “Ngày Pháp luật lồng ghép sinh hoạt đờn ca tài tử”, “Ngày Pháp luật lồng ghép sinh hoạt dưới cờ” ở các trường học…

Sau Mít tinh, các đại biểu tuần hành với nhiều khẩu hiệu kêu gọi toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện hãy tích cực hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam” bằng những hành động thiết thực, phù hợp với khả năng, điều kiện của mình, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ và văn minh, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

NGỌC TRÍ

Sinh thời, khi bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tính thiết yếu của pháp luật và pháp quyền đối với việc bảo đảm quyền độc lập, tự do cho dân tộc, quyền dân chủ và các quyền cơ bản của con người.

Người khẳng định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Cốt lõi giá trị trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quan điểm vì con người và giải phóng con người, vì đất nước, vì dân tộc.

Đó là chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản. Đây cũng là bản chất của nền tư pháp, được khởi nguồn từ những ngày đầu thành lập theo tư tưởng của Bác.

Ngay từ đầu, trong những năm đầu của chính quyền nhân dân dân chủ cộng hòa, trong điều kiện cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Nhà nước, đang chỉ đạo, lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc, nhưng vẫn dành cho công tác tư pháp, hoạt động tư pháp sự quan tâm sâu sắc.

Đối với Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Bác viết thư chỉ rõ: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của Chính phủ… Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Chỉ 10 ngày sau khi giành được chính quyền (ngày 19-8-1945), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, ngày 28-8-1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được thành lập, đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp.

Bác Hồ hết sức quan tâm việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện. Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã 2 lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (năm 1946 và năm 1959); đã ký lệnh công bố 16 luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là Người tập trung chỉ đạo đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành.

Hồ Chủ tịch coi việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: “Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt...”.

Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật Việt Nam” đã được hưởng ứng rộng khắp ở các địa phương trên cả nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp, thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật Việt Nam” để phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành.

Bên cạnh đó, “Ngày Pháp luật Việt Nam” còn giúp cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội, giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống, mọi tầng lớp nhân dân đều “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần thắng lợi vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.