Thứ Hai, 10/12/2018, 08:44 (GMT+7)
.

Vì sao lại tạm đình chỉ nhiều vụ án?

Tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX, 2 vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri là tình trạng lao động nông thôn học nghề xong không tìm được việc làm và vì sao năm 2018, ngành Tòa án ban hành nhiều quyết định tạm đình chỉ nhiều vụ án. 2 vấn đề này đã được lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh trả lời thẳng thắn, trách nhiệm.

* Học nghề xong không tìm được việc làm

Liên quan đến công tác đào tạo nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn sơ cấp duới 3 tháng ở địa phương đạt hiệu quả chưa cao; học viên sau khi tốt nghiệp khó tìm việc làm và thu nhập thấp, không ổn định cuộc sống. Nhiều đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh cho biết giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới?

Giám đốc Sở LĐTB&XH Phạm Minh Trí cho biết: Năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo cho 4.066 lao động, trong đó 2.885 lao động học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1.181 lao động học nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp.

Theo báo cáo của các huyện, hơn 95% lao động được hỗ trợ đào tạo đã có việc làm. Nhưng qua giám sát, đánh giá hiệu quả  đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào đầu tháng 11-2018 tại các huyện đối với lao động được hỗ trợ đào tạo đã tốt nghiệp hơn 1 năm thì: Có 92% lao động đã có việc làm, trong đó lao động làm theo nghề đã học chỉ đạt 78,26%.

Chị em phụ nữ được dạy nghề miễn phí
Chị em phụ nữ được dạy nghề miễn phí.

Nguyên nhân số lao động chưa có việc làm sau khi học nghề là do một số địa phương chưa thẩm định cụ thể nhu cầu của các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn trước khi tổ chức đào tạo nghề.

Để tạo việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng, nhất là trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng để cung ứng lao động cho doanh nghiệp. 

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đào tạo phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; chỉ đạo UBND cấp xã tổ phức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động ở địa phương, nhu cầu học nghề để phục vụ sản xuất theo định hướng của huyện, đề xuất mở lớp hỗ trợ đào tạo cho phù hợp...

* Vì sao tạm đình chỉ nhiều vụ án

Tại hội trường, ngành Tòa án được yêu cầu giải trình về vấn đề: Trong năm 2018, TAND 2 cấp ban hành nhiều quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, dẫn đến việc người dân phải đi lại nhiều lần, gây khó khăn cho người dân khi tham gia tố tụng. Đại biểu đề nghị TAND tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới?

Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long,
Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long giải trình tại hội trường.

Trả lời vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long cho biết: Theo số liệu thống kê đến ngày 30-11-2018 có 385 vụ việc/13.622 vụ việc có quyết định tạm đình chỉ giải quyết.

Lý do tạm đình chỉ giải quyết các vụ việc là do bị can bị bệnh tâm thần; bị cáo đã bỏ trốn; cơ quan, tổ chức chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án; đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Tòa án đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu nhập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ (theo yêu cầu của Tòa án) mới giải quyết được vụ án. Trong thời gian chờ kết quả cung cấp tài liệu, chứng cứ, kết quả ủy thác tư pháp nhưng thời hạn giải quyết vụ án đã hết thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng đối với các trường hợp này.

Đại biểu Lương Quốc Thọ chất vấn ngành TAND tỉnh
Đại biểu Lương Quốc Thọ chất vấn ngành TAND tỉnh.

Về các giải pháp nhằm hạn chế việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án, TAND 2 cấp tiếp tục tổ chức kiểm tra án của các Thẩm phán được phân công giải quyết, có báo cáo định kỳ, thường xuyên nhắc nhở đối với việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Ngành Tòa án tổ chức đoàn kiểm tra nghiệp vụ mỗi năm 2 đợt tiến hành kiểm tra các quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của TAND 2 cấp. TAND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp với Tòa án cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án kịp thời để Tòa án giải quyết vụ án sớm không để kéo dài dẫn đến phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

TAND tỉnh kiến nghị với TAND tối cao trong việc đề xuất các ngành Trung ương xem xét xây dựng quy chế phối hợp về cung cấp tài liệu, chứng cứ giữa Tòa án và UBND, các cơ quan chuyên môn có liên quan; xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp đối với các trường hợp áp dụng pháp luật không đúng để tạm đình chỉ giải quyết vụ án, hết lý do tạm đình chỉ nhưng không tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết.

HOÀI THU - P. MAI

.
.
.