Thứ Bảy, 29/12/2018, 15:25 (GMT+7)
.

Xu hướng, thách thức đối với báo chí và trách nhiệm của người làm báo

Chiều 28-12, tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc tổng kết công tác nãm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, việc nhận diện xu hướng và thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay và trách nhiệm của người làm báo là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

a
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trí tuệ nhân tạo là một xu hướng

Báo cáo đánh giá công tác báo chí nãm 2018 nhận định sự phổ biến của các thiết bị công nghệ trong những năm gần đây như điện thoại thông minh, tivi thông minh... với nhiều tính năng ưu việt cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Internet đã làm thay đổi thói quen của người dùng, dịch chuyển từ đọc, nghe, xem theo kiểu truyền thống như tivi, báo giấy... sang những lựa chọn khác như qua thiết bị điện thoại di động, máy tính bảng.

Hiện việc đọc, nghe, xem báo chí trực tuyến cũng đã dịch chuyển từ thụ động sang chủ động. Do vậy, đã và đang hình thành một xu hướng phát triển mới của báo chí đó là "báo chí công nghệ."

Tính đến tháng 12/2018, tại Việt Nam, số người sử dụng Internet là 64 triệu người/96,02 triệu dân, trong đó người sử dụng Internet thành thạo là 67% với 42,88 triệu người; số lựợng người sử dụng điện thoại di động là 70,3 triệu.

Xu hướng SMAC đang phổ biến (Social - Mạng xã hội, Mobile - Ðiện thoại thông minh, Analytics - Phân tích dữ liệu, Cloud - Ðiện toán đám mây).

Trong "thế giới phẳng" như hiện nay, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, cung cấp nội dung xuyên biên giới là một xu hướng.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Lê Quốc Minh cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, từ các cơ quan báo chí lớn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Argentina và cả Việt Nam. AI đã và đang được sử dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, cho đến viết tin bài tự động.


Ðánh giá, trí tuệ nhân tạo có thể tiếp sức mạnh cho nhà báo trong hoạt động đưa tin, sự sáng tạo và khả năng tương tác với độc giả, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh nhấn mạnh tới sự minh bạch - một điều bắt buộc trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Hơn nữa, một nền báo chí nhân văn lành mạnh cần bảo vệ những tiếng nói yếm thế và những vấn đề hóc búa ít được quan tâm để thu thập dữ liệu một cách có hệ thống, ông Lê Quốc Minh nêu quan điểm.

Khẳng định trí tuệ nhân tạo đang mang lại những thách thức mới cũng như những cơ hội mới, Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Minh nêu rõ nếu không có một quan điểm rõ ràng về báo chí, công nghệ này sẽ chẳng giúp tạo ra một xã hội được thông tin đầy đủ. Nếu không xử lý được những vấn đề đạo đức, trí tuệ nhân tạo có thể khiến báo chí suy tàn. Nếu không vì mục tiêu cao ðẹp là phụng sự độc giả và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, không có những quy trình minh bạch cộng với sự giám sát của công chúng, báo chí sẽ mất đi sự tin cậy trong lòng độc giả-khán thính giả, dù chúng ta có sử dụng công nghệ hiện đại thế nào đi chãng nữa.

Tổng Biên tập Báo điện tử Tri thức trực tuyến Ngô Việt Anh dẫn khảo sát tại hơn 20 quốc gia của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Ðại học Oxford (Anh).

Theo khảo sát, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội là kênh đọc tin tức tăng lên 46% vào năm 2016. Tuy nhiên khảo sát được thực hiện năm 2018 cho thấy xu hướng bạn đọc tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội đạt đỉnh năm 2016 và giảm mạnh trong năm 2018.

Các xu hướng đáng chú ý khác của báo chí trong năm qua là nhiều tòa soạn đầu tư nâng cao chất lượng, hướng tới độc giả trả phí, đầu tư cho ấn phẩm mobile, phát triển audio-video ngắn.

Các tòa soạn trên thế giới đang tập trung xây dựng những sản phẩm báo chí có giá trị, có tầm ảnh hýởng, tính định hướng. Các sản phẩm báo chí được trình bày trực quan, hiện đại, đem lại những trải nghiệm thú vị cho bạn đọc.

Tại Việt Nam, năm 2018, nhiều báo điện tử đã chặn đà suy giảm bạn đọc. Ông Ngô Việt Anh cho rằng nếu quyết tâm, kiên trì thúc đẩy các giá trị cốt lõi, trung thực, chuẩn mực, chất lượng, đồng thời tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, báo chí của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Phát huy vai trò định hướng dư luận, định hướng thông tin

Trong một thế giới phẳng với những thách thức đặt ra như nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át; báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân Phùng Kim Lân đề cập tới nhiệm vụ bảo vệ nền tảng lý tưởng của Ðảng của báo chí.

Theo Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, các thế lực phản động, thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tận dụng triệt để mạng xã hội, Internet để phát tán tài liệu chống phá Ðảng, để bảo vệ nền tảng lý tưởng của Ðảng, báo chí cần tích cực phát huy vai trò định hướng dư luận, định hướng thông tin. Ðấu tranh kiên quyết với các hiện tượng tiêu cực trên tinh thần xây dựng, lấy "xây" làm chính và lấy "xây" để "chống," lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Ðồng thời, các cơ quan báo chí cần đa dạng hóa hơn nữa hình thức thông tin tuyên truyền, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

a
Lễ trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các tập thể có thành tích xuất sắc về công tác thông tin, tuyên truyền nãm 2018. (Ảnh:TTXVN)

Trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng lý tưởng của Ðảng, Phó Tổng biên tập Báo Quân ðội Nhân dân Phùng Kim Lân cho rằng cần quan tâm tới vai trò của các cơ quan nghiên cứu chiến lược, "báo chí không phải thụ động ngồi chờ, mà phải chủ động, đi trước, nói trước, làm trước. Kết quả nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu chiến lược sẽ giúp các cơ quan báo chí chủ động hơn trong công tác bảo vệ nền tảng lý tưởng của Ðảng."

Theo Tổng Biên tập Báo Ðại đoàn kết Hồng Thanh Quang, báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội.

"Không chạy theo trào lưu tầm thường, không kích động, bôi đen, báo chí phải trở lại bằng chính việc thực hiện đúng chức năng vốn có của mình, thông tin đúng định hướng dư luận xã hội. Báo chí thể hiện dòng chảy xã hội với những giá trị nhân ái và công bằng mà con người hướng tới. Ðấu tranh chống tiêu cực, tham những, lên án cái sai, cái xấu nhưng không miệt thị, không bôi đen, không tạo trào lưu xấu cản trở sự phát triển của xã hội. Phê phán, phản biện nhưng không cực đoan, tiêu cực mà trên tinh thần trách nhiệm, chia sẻ tìm giải pháp... Ðây là trách nhiệm cao cả của báo chí trong việc phản ánh cuộc sống xã hội, gây dựng niềm tin," Tổng Biên tập Báo Ðại đoàn kết nhấn mạnh./.

(Theo TTXVN)

 

.
.
.