Bài 1: Viết lên trang sử anh hùng
Nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, những năm qua, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn giữa trùng khơi với gió giật, sóng gào…, đôi khi là sự hy sinh cả tính mạng của mình, nhưng các thế hệ CB-CS Tiểu đoàn DK1 vẫn thẳng tiến ra biển. Họ luôn bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với bão tố, vượt qua mọi khó khăn với tinh thần “còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng”.
Thực hiện nghi thức thả vòng hoa, tưởng niệm các CB-CS hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. |
ĐÃ THÀNH THÔNG LỆ
Gần 30 năm qua (ngày 5-7-1989), từ khi các nhà giàn DK1 được thành lập, những cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ đã làm điểm tựa cho ngư dân giữa trùng khơi. Ở đó, các thế hệ CB-CS luôn nhớ lời Bác dặn, đã sẵn sàng gác lại những tình cảm cá nhân, riêng tư của tuổi trẻ để thẳng tiến ra trùng khơi, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Để có được những nhà giàn DK1 vững chãi như hôm nay, các thế hệ đi trước đã đổ bao mồ hôi, công sức và cả xương máu của mình. Máu các anh đã hòa vào nước biển xanh vời vợi. Mộ các anh là những con sóng bạc đầu kiên trung giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Cứ mỗi lần có đoàn công tác đi qua vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là đều neo tàu lại để tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ các nhà giàn DK1 đã anh dũng hy sinh trong quá trình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, đây là thông lệ của những chuyến tàu của lực lượng Hải quân mỗi khi ngang qua thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc để làm nhiệm vụ. Sáng hôm ấy, những bông cúc vàng, những nén hương thơm lại trôi theo sóng biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Cách tàu chúng tôi thả neo không xa, các CB-CS Nhà giàn DK1/15 (thuộc cụm nhà giàn Phúc Nguyên) đã xếp hàng đứng nghiêm trong quân phục chỉnh tề, lặng lẽ giơ tay chào theo nghi thức Quân đội khi tàu Trường Sa 19 hú lên 3 hồi còi thay cho lời viếng anh linh các CB-CS đang nằm dưới đáy biển khơi…
NHỮNG BÔNG HOA BẤT TỬ
Trên boong tàu, tiếng sóng vỗ vào mạn tàu hòa với giai điệu “Hồn tử sĩ” trầm hùng vang lên, giữa không gian khói hương nghi ngút, câu chuyện gần 30 năm về trước được Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến bùi ngùi kể lại. Đó là câu chuyện bi hùng của sự hy sinh anh dũng của 3 CB-CS Nhà giàn DK1/3 (thuộc cụm nhà giàn Phúc Tần) khi cơn bão số 10 có sức gió giật cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông vào đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-12-1990.
Dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy, Trạm phó phụ trách chính trị Trần Hữu Quảng, các CB-CS Nhà giàn DK1/3 đã ra sức chống chọi với bão tố. Trong đêm đen, bão mỗi lúc một mạnh lên, những cơn gió giật liên hồi, những cột sóng sừng sững đã quật đổ nhà giàn, cả 8 CB-CS đã bị cuốn trôi giữa trùng khơi đầy sóng gió.
Thượng úy Trần Hữu Quảng, Thượng úy chuyên nghiệp - Y sĩ Trần Văn Là và nhân viên Cơ điện Hồ Văn Hiền đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả. Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò của Bí thư chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng...
Không gian lúc này khe khẽ những tiếng nấc, sụt sùi của các thành viên trong Đoàn công tác. Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến tiếp tục đưa mọi người quay về với cơn bão số 8 năm 1998 đã khiến Nhà giàn DK1/6 (thuộc cụm nhà giàn Phúc Nguyên) bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội...; nhưng các CB-CS ở đây vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mù, với tinh thần “còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng”…
Tuy nhiên, sức người có hạn, nhà giàn bị gãy đổ giữa biển khơi, hất tung 9 CB-CS xuống biển. Dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 CB-CS đã hy sinh: Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương; Chuẩn úy quân nhân chuyên nghiệp - nhân viên Ra đa Lê Đức Hồng và nhân viên Cơ điện Nguyễn Văn An. Riêng sĩ quan trẻ Nguyễn Văn An ra đi để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt cha.
Không thể nào quên được tấm gương hy sinh anh dũng của Liệt sĩ - Chuẩn úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi Nhà giàn DK1/6 bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền!” để rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại với trùng khơi bao la, bồi đắp vững chãi thêm tượng đài chủ quyền giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài ra, còn có những tấm gương dũng cảm của Thượng úy Phạm Tảo, Chuẩn úy Lê Tiến Cường và các chiến sĩ: Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền, Dương Văn Bắc đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình khi thực hiện nhiệm vụ mà không một chút đắn đo, suy tính…
“Vào thời khắc giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội và Quân chủng Hải quân Anh hùng; bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc…, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Một cái chết để muôn ngàn lần sống. Một cái chết rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội trong trắng, thủy chung, sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới...” - lời tưởng niệm trong điếu văn của Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến vang lên giữa biển khơi khiến tất cả thành viên có mặt trên tàu Trường Sa 19 nghẹn ngào, xúc động.
Những vần thơ trầm hùng hướng về vong linh các CB-CS đã anh dũng hy sinh được Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến bộc bạch làm mọi người trên tàu bùi ngùi, rưng rưng nước mắt:
“Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường
Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra
Trong cơn hồng thủy phong ba
DK1 - Bản hùng ca lưu đời
Hương trầm quyện gió tỏa quanh
Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương
Sống không mưu lợi tầm thường
Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng…”.
Ghi nhớ lời Bác dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; đồng thời, tiếp nối truyền thống Anh hùng của các liệt sĩ đã ngã xuống, thế hệ CB-CS nhà giàn DK1 hôm nay luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ vững chắc vùng thềm lục địa phía Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, để mùa xuân mãi mãi được vui tươi, hạnh phúc.
VĂN THẢO (còn tiếp)