Thứ Sáu, 15/02/2019, 11:11 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17-2-1979 - 17-2-2019)

Đoàn viên, thanh niên Tiền Giang hăng hái lên đường chiến đấu

Năm 1979, nhiều khó khăn do thiên tai và mất mùa liên tiếp, lại bị cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Tiền Giang quán triệt Nghị quyết của Trung ương về tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia.

Lực lượng vũ trang và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) luôn nêu cao tinh thần khổ luyện, ngày đêm luyện tập nâng cao kỹ thuật chiến đấu, tích cực làm chủ khí tài hiện đại, sẵn sàng lên đường chiến đấu…

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 tại tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên).                                                                                                       Ảnh: TƯ LIỆU
Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 tại tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên). Ảnh: TƯ LIỆU

Rạng sáng 17-2-1979, Trung Quốc bất ngờ ồ ạt xua 600.000 quân tràn sang toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, khí thế tòng quân trong ĐVTN Tiền Giang diễn ra sôi nổi. Nhiều người tự khai tăng tuổi hoặc giấu gia đình đi khám tuyển.

Trong thời gian ngắn, 12.000 ĐVTN đã đáp lời kêu gọi của Tổ quốc, lên đường ra tiền tuyến thực hiện nghĩa vụ công dân. Trong đó, một số gia nhập Lực lượng vũ trang trực tiếp cầm súng chiến đấu, một số khác tham gia lực lượng Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, số còn lại tham gia lực lượng Thanh niên xung kích làm nhiệm vụ xây dựng chiến lũy.

Tiêu biểu là ĐVTN thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè), xã Kiểng Lễ (nay là xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông), xã Bình Phan (huyện Chợ Gạo), Trường Trung học phổ thông (THPT) Đốc Binh Kiều (huyện Cai Lậy), thầy giáo và học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho)...

Ngày 5-3-1979, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ và đồng bào đoàn kết, sát cánh với đồng bào và Quân đội cả nước quyết tâm đánh thắng quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.

Tất cả làm việc theo thời chiến, dấy lên phong trào sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng quân Trung Quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tuổi trẻ Tiền Giang đăng ký tình nguyện gia nhập Lực lượng vũ trang để chống quân Trung Quốc. Hàng ngàn lá đơn tình nguyện gia nhập Lực lượng vũ trang, nhiều lá đơn viết bằng máu gửi lên Trung ương Đảng, Trung ương Đoàn biểu thị quyết tâm của tuổi trẻ.

Có 241 cán bộ, đoàn viên đại diện cho hơn 6 vạn cán bộ, ĐVTN huyện Cái Bè hòa chung dòng máu viết huyết thư gửi lên Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, Trung ương Đoàn hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Đoàn giao phó. Đêm 8-3-1979, có 98/212 đoàn viên của Trường THPT Trương Định (huyện Gò Công Đông) và 30/31 đoàn viên chi đoàn thực tập đăng ký tòng quân.

Ngày 16-3-1979, đáp lời kêu gọi của Đảng và Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, UBND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định thực hiện quân sự hóa toàn dân và vũ trang toàn dân. Toàn tỉnh có 31.470 thanh niên cơ quan, xí nghiệp, trường học, xã, phường tham gia huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu. Dân quân tự vệ được củng cố và tăng cường, phát triển thêm 5.370, nâng tổng số 41.641 dân quân.

Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, lực lượng tập trung tỉnh, huyện, Dân quân tự vệ, Thanh niên xung phong tích cực tham gia chiến đấu. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ kịp thời đáp ứng nhiệm vụ, phục vụ tốt công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp tỉnh Pursat (Campuchia) và đưa quân tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc.

Cuối tháng 4-1979, có hơn 4.000 ĐVTN hăng hái đăng ký tình nguyện chiến đấu ở biên giới phía Bắc, nhất là các huyện Chợ Gạo, Cai Lậy, Gò Công và TP. Mỹ Tho. Đặc biệt, có 930 cán bộ, công nhân viên, thầy giáo và học sinh cũng đã tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn chung, tình hình an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh lúc đó cơ bản ổn định và đạt được thành tựu to lớn, triệt phá thành công các tổ chức phản động, ngăn chặn có kết quả các cuộc vượt biên, đập tan nhiều âm mưu bạo loạn và phá hoại của các phần tử phản động.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, liên tục tấn công tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, truy quét và loại bỏ các ấn phẩm đồi trụy, tiến hành quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý giao thông, quản lý hành chính, thiết lập trật tự mới…, góp phần giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững biên cương của Tổ quốc.

LÊ VĂN TÝ (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:
1. “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (1975 - 2015)”, tập III, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2015.
2. “Lịch sử Đoàn và phong trào Thanh niên tỉnh Tiền Giang”, xuất bản năm 1996.
3. “Lịch sử Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho)”, xuất bản năm 2005.
4. Lịch sử Đảng bộ các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công...

.
.
.