Thứ Ba, 05/02/2019, 17:58 (GMT+7)
.

Tích hợp các giải pháp đột phá, thúc đẩy phát triển KT-XH

Dù cuối năm nhiều công việc, nhưng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng vẫn dành cho Báo Ấp Bắc cuộc trao đổi vừa mang tính định hướng, vừa có tính cụ thể, qua đó thể hiện quyết tâm của cả bộ máy điều hành để thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo, không để sinh ra “khớp nối” giữa 2 kỳ kế hoạch.

Đồng chí Lê Văn Hưởng cho rằng: “Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh những thuận lợi đã tích lũy được, tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự thay đổi phương pháp làm việc, điều hành của các ngành, các cấp; sự quyết tâm vượt khó và khao khát làm giàu chính đáng của đông đảo nhân dân, cùng với sự vươn lên bứt phá của cộng đồng doanh nghiệp,

Tiền Giang đã đạt được kết quả phát triển khá đồng đều trên nhiều mặt của đời sống xã hội”.

DẤU ẤN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VÀ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ

Về những giải pháp trong năm 2019, đồng chí Lê Văn Hưởng cho rằng: Sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này xây dựng theo hướng tích hợp theo đúng tinh thần của Luật Quy hoạch, để tìm ra ý tưởng mới nhằm khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời, tìm giải pháp khả thi để khắc phục dần những hạn chế đã và đang tồn tại.

Theo đó, UBND tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép lựa chọn tư vấn nước ngoài lập quy hoạch, quy hoạch này cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Kế đến, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh hơn nữa phát triển doanh nghiệp.

Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Song, nhờ có sự tập trung cao nên đến cuối tháng 11-2018, tỉnh đã có hơn 5.000 doanh nghiệp và theo xu hướng này thì có khả năng sẽ đạt trên 6.500 doanh nghiệp vào năm 2020.

Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 161 hợp tác xã và 59.790 hộ kinh doanh, đây chính là vườn ươm tốt nhất cho phát triển doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để động viên, tạo điều kiện nhằm chuyển nhanh một số hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Song song đó, tỉnh cũng tập trung nghiên cứu giải pháp để nâng quy mô và chất lượng doanh nghiệp nhằm hình thành được nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và có một ít doanh nghiệp vươn lên quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh có kế hoạch xây dựng nhóm hợp tác xã điển hình tiêu biểu để từ đó hỗ trợ, tạo điều kiện nhân rộng, phát triển các hợp tác xã khác gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển doanh nghiệp nông thôn và hướng dẫn cho các hợp tác xã mới thành lập cùng nhau phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018. Ảnh:  DUY NHỰT
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018. Ảnh: DUY NHỰT

Qua 5 tháng sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược quan tâm, tìm hiểu và đề nghị đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kết quả, năm 2018 tỉnh thu hút 42 dự án đầu tư (tăng 19 dự án), vốn đầu tư đăng ký 11.822 tỷ đồng, gấp 3 lần so năm 2017.

Theo đồng chí Lê Văn Hưởng, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra năm 2019 phải thu hút được 34.600 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó ngoài nguồn vốn đầu tư công thì phải được sự ủng hộ đầu tư mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp và của các nhà đầu tư.

Theo đó, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư; kiểm tra chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trước, trong và sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018: Tòa nhà Central Plaza Mỹ Tho, Khách sạn 4 sao Moon River tại xã Thới Sơn, Trung tâm Thương mại Mỹ Tho, Khu thiết chế Công đoàn và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Mỹ Tho, Co.opmart Cái Bè, cùng với Trung tâm Thương mại dịch vụ GO! Mỹ Tho đã đi vào hoạt động. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tập trung để phát triển các khu, cụm công nghiệp, mà trước hết là Khu công nghiệp Soài Rạp, Cụm công nghiệp Gia Thuận, Kho cảng dầu khí Nam Việt… để vực dậy vùng công nghiệp phía Đông từ nay đến cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, tỉnh khẩn trương xem xét các dự án mời gọi đầu tư đã có nhà đầu tư tham gia như: Bến du thuyền, Khách sạn Paradise 5 sao, Khu đất nhà số 1A đường Hùng Vương, Khu dân cư - thương mại Vĩnh Kim, các dự án thứ cấp trong Quảng trường Trung tâm tỉnh, Dự án Chợ và Khu phố chợ Tân Lập, Trường chất lượng cao từ mẫu giáo đến cấp 3 (gần Trường THPT Chuyên Tiền Giang), các điểm salon - showroom ô tô đời mới, các trạm dừng chân, khu đất 352 ha nuôi trồng thủy sản ở huyện Tân Phú Đông, khu đất 265 ha của Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang đang thuê ở huyện Tân Phước và các Dự án Cụm công nghiệp: Mỹ Phước Tây, Tân Lý Đông, Hậu Thành, Bình Ninh…

Khi những dự án này đi vào hoạt động sẽ tác động lớn đến tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh trong những năm tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng tiếp xúc với nhà đầu tư - Một trong những kênh góp phần thay đổi hình ảnh của Tiền Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng tiếp xúc với nhà đầu tư - Một trong những kênh góp phần thay đổi hình ảnh của Tiền Giang.

XÂY DỰNG NTM VÀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng chí Lê Văn Hưởng cho biết, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đi vào đại đa số người dân ở khu vực nông thôn, thì vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Tỉnh sẽ tiến hành chọn một vài địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch để thí điểm hỗ trợ đầu tư thành sản phẩm du lịch nông thôn thực sự, đúng nghĩa, nếu phát triển tốt sẽ nhân rộng để góp phần cho phát triển NTM.

Tỉnh xúc tiến giải pháp hỗ trợ để tiến hành lựa chọn một số nông dân có ý tưởng mới, đủ điều kiện đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở những nước có trình độ phát triển khá, thích nghi với điều kiện người lao động tỉnh nhà.

Đây được xem là giải pháp rất quan trọng, cơ bản, lâu dài. Để thực hiện được điều đó, điều kiện tiền đề là phải đào tạo ngoại ngữ và hỗ trợ tín dụng cho người lao động. Đến nay, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 100 tỷ đồng và sẽ tiếp tục đề nghị bổ sung để đạt từ 150 đến 200 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Đẩy mạnh công tác này cũng tạo ra nhu cầu thêm về ngành nghề đào tạo cho các Trường Đại học Tiền Giang, Cao đẳng Y tế và Cao đẳng Nghề đang khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo.

Xây dựng NTM kết hợp với tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cùng với chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần làm cho công tác xóa khó giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn để tiến tới bền vững, từ đó sẽ tác động, góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn.

CHÍNH QUYỀN SỐ, NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Sau nhiều năm phấn đấu, Chỉ số Sẵn sàng cho sự phát triển và Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông của Tiền Giang năm 2018 được xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước; Chỉ số về Ứng dụng CNTT, Phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 được xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; Chỉ số Hiện đại hóa hành chính trong Bộ chỉ số Cải cách hành chính tỉnh năm 2017 được xếp thứ 13/63 tỉnh, thành.

Đặc biệt là tỉnh đã thống nhất việc Tập đoàn VNPT thành lập Công viên Phần mềm MeKong tại khu đất Trường Bưu chính Viễn thông (cũ).

Đồng chí Lê Văn Hưởng cho biết, đến nay đã có 4 đơn vị đầu tư vào dự án trên: Trung tâm Phát triển giải pháp Chính phủ điện tử, Trung tâm Phát triển giải pháp Y tế điện tử, Trung tâm CNTT vùng 5 - phụ trách vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm CNTT - VNPT Tiền Giang.

Hiện có trên 160 kỹ sư lập trình sản xuất, kinh doanh đang làm việc tại đây và sẽ đạt đến 200 kỹ sư vào những năm tới để phục vụ cho tỉnh, khu vực và cả nước. Từ đó sẽ góp phần giải quyết số lao động CNTT của tỉnh hiện chưa có việc làm; mặt khác, sẽ thu hút thêm lao động kỹ thuật chất lượng cao về tỉnh công tác, cũng như tạo ra nhu cầu cho Trường Đại học Tiền Giang có ngành mũi nhọn mới để đào tạo.

Với xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà nền tảng là CNTT - công nghệ số, cùng với cải cách mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì vai trò ứng dụng CNTT trong chính quyền là rất quan trọng.

Ngày 29-11-2018, tỉnh đã thống nhất với Tập đoàn VNPT triển khai thí điểm đầu tiên Đề án Chính quyền số cho tỉnh để phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở dữ liệu thực, tiến đến phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số trong tương lai.

Đề án này sẽ được triển khai vào đầu năm 2019, thời gian hoàn thành và đưa vào ứng dụng đang được xem xét tùy theo năng lực của bộ máy điều hành.

Để đảm bảo nguồn lực đủ mạnh cho bộ máy điều hành trong những năm tiếp theo, đồng chí Lê Văn Hưởng cho rằng, vấn đề đầu tiên và chung nhất là phải tiếp tục chỉ đạo, điều hành theo hướng tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phân công công việc rõ ràng, chỉ đạo cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ; luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc thực tiễn để kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách đang đặt ra; chủ động gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị để nâng dần sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Thẳng thắn nhìn nhận về công tác điều hành của UBND tỉnh trong năm qua, đồng chí Lê Văn Hưởng chia sẻ: “Qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động và trách nhiệm công chức trong thực hiện, công vụ của các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh, nhất là đối với trách nhiệm người đứng đầu, bộ máy hành chính đã có chuyển biến nhất định, góp phần tạo nên sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, sự chuyển biến chưa đồng bộ, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, rất mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ vì những khó khăn quá lớn trong thời gian qua mà bộ máy hành chính đã phải tập trung rất cao để vượt qua”.

Nhân dịp năm mới, xuân về, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Lê Văn Hưởng gửi lời chúc nhân dân tỉnh nhà cùng cộng đồng doanh nghiệp năm mới dồi dào sức khỏe và thành công; cùng chung sức, chung lòng trong công cuộc xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

DUY SƠN

.
.
.