Cán bộ, đảng viên nếu thấy không xứng đáng thì nên từ chức
Sáng nay, 20-3, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với bạn đọc “Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?”.
Cuộc giao lưu này nhằm góp phần làm cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa to lớn thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Tham gia chỉ đạo và trả lời các câu hỏi của bạn đọc gồm có: đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; nhà báo, TS Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương; PGS.TS Nguyễn Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Quang cảnh cuộc giao lưu tại trụ sở Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TRẦN BÌNH |
Cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với toàn Đảng, toàn dân
Tại cuộc giao lưu, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, trong thực tế, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành một quy định về nêu gương, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành một quy định về nêu gương, bây giờ Ban Chấp hành Trung ương khóa XII lại ban hành một quy định nữa về nêu gương. Ba quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên do 3 cấp ban hành: Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Như vậy, nếu nói về cấp độ, vị trí, tầm quan trọng của nó thì Ban Chấp hành Trung ương là cấp cao nhất. Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà đây chính là 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng.
Cương lĩnh của Đảng xác định, Hiến pháp cũng xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng 5 phương thức: Bằng cương lĩnh, chủ trương, định hướng lớn; bằng công tác vận động, giáo dục, thuyết phục tuyên truyền; bằng phương pháp tổ chức cán bộ; bằng công tác kiểm tra giám sát; và bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Lần này Ban Chấp hành Trung ương với tư cách là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, phải ban hành một Quy định về nêu gương, mà trong Quy định này nói chung là với cán bộ, đảng viên, nhưng nhấn mạnh đặc biệt trước hết là cán bộ cấp cao, nói cách khác là Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về nêu gương này chính là cho các đồng chí Trung ương, bản chất vấn đề là như thế.
Đây là một sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với chính mình, và đây cũng chính là sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với toàn Đảng, toàn dân. Bởi vì, Quy định này được công bố cho tất cả các tổ chức đảng, trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng, tất cả nhân dân, cán bộ, đảng viên đều nắm được và có trách nhiệm theo dõi, giám sát.
Xuyên suốt lịch sử cách mạng về các tấm gương nêu gương từ khi có Đảng đến nay, giai đoạn nào cũng có, thời đại nào cũng có, từ chiến sỹ Cộng sản trong lao tù, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trong thời kỳ chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới… Không kể hết được những tấm gương đó, đặc biệt của cán bộ cấp cao đã có tác động lôi cuốn quần chúng, tập hợp nhân dân, tạo nên sức mạnh của Đảng ta. “Vừa rồi, một số cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý nghiêm và thích đáng đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân.
Nhìn chung, nêu gương phải trở thành tự giác, thường xuyên, có nề nếp hàng ngày; đồng thời phải luôn xác định phải làm tốt những việc mình làm để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Phải khẳng định là vai trò của cán bộ cấp cao có tác động đến cả nước thậm chí cả quốc tế, do đó, hơn lúc nào hết phải đặc biệt đề cao nêu gương”- ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng, đảng viên trước hết là công dân, do đó, phải thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, sau đó, nâng tầm lên thực hiện đường lối của Đảng. Đảng viên phải tiên phong, nhất là thực hiện đúng, đủ, tốt quy định của Đảng để rèn luyện phấn đấu. Thời gian qua, chế tài quy định từng bước hoàn thiện nhưng quan trọng là thực thi thế nào, có nghiêm túc và cụ thể hay không?
Tất cả đảng viên sinh hoạt trong chi bộ, nhưng chi bộ có nắm tư tưởng, hành vi của đảng viên hay không? Nắm bắt sinh hoạt của đảng viên có vi phạm hay không? Tất cả đều xuất phát từ chi bộ. Do đó, phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tinh thần phê bình và tự phê bình từ chi bộ. Hơn 30 năm đổi mới, 50 năm thực hiện tác phẩm của Bác Hồ về “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, chúng ta thấy, trong thời gian qua, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm xuât hiện khá phổ biến; do đó, cần phải được chú trọng quan tâm, quét sạch.
“Tới đây, để có thể chế và quy định cụ thể, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát của nhân dân. Về các khu phố, các khu dân cư ở địa phương cơ sở, nhân dân người ta biết hết đảng viên đó như thế nào. Có điều là chúng ta phải tạo cơ chế để nhân dân có ý kiến chuẩn xác và tiến hành nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện hiệu quả”- đồng chí Lê Mạnh Hùng nhận định.
Phải dựa vào dân để xây để quét sạch những “ung nhọt” trong Đảng
Theo nhà báo Nhị Lê, có một tình trạng là chúng ta có rất nhiều quy định nhưng khi thực thi thì hiệu quả chưa được như mong đợi. Có thể cắt nghĩa rất nhiều, trước hết, là những quy định đó có phù hợp với thực tiễn hay không? Thứ hai, việc tổ chức những quy định đó có tương xứng với mục tiêu đề ra hay không? Thứ ba, lực lượng tổ chức thực thi những quy định đó có bảo đảm không, có rộng rãi không, có đầy đủ không, có dân chủ không? Thứ tư, các thiết chế cần và đủ để bảo đảm thực hiện các quy định đó đã hoàn mỹ chưa.
Đặc biệt quan trọng là người đứng đầu tổ chức thực hiện ở từng cấp có tương xứng không? Nhà báo Nhị Lê cho rằng, tối thiểu phải có 5 vấn đề để có thể thấy được là chỉ trong 4 năm nay thôi, Đảng đã ban hành 3 quy định về nêu gương. Chúng ta có quy định về giám sát, kiểm tra được ban hành ở tất cả các quy mô từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng... ở tất cả các đối tượng đảng viên. Quy định 101 (ngày 7-6-2012) dành cho tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng; rồi Quy định 55 (ngày 20-12-2016) về tăng cường một bước mạnh mẽ vấn đề nêu gương trong toàn Đảng và Quy định 08 ban hành mới đây nhất vào tháng 10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương.
Nhà báo Nhị Lê khẳng định, chưa có thời kỳ nào vấn đề nêu gương được Đảng đề ra mạnh mẽ và nghiêm khắc ở tất cả các nội dung, đối với tất cả các đối tượng đảng viên như bây giờ. Nhưng có thể nói, việc thực thi các quyết định chưa tương xứng và chưa được như mong muốn. Thực tiễn đã đi rất xa điều mà chúng ta muốn, điều mà tất cả cấp ủy đang từng bước dõi theo, đặc biệt là chưa tương xứng với nguyện vọng, mong muốn của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng, mà Đảng ta với tư cách đảng cầm quyền.
Chúng ta hãy nhìn lại một loạt cán bộ các cấp, mà trong lịch sử của Đảng ta, lần đầu tiên 1 Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố trước pháp luật về tội tham nhũng. Rồi một loạt cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, truy tố... Tất cả những ung nhọt mà cán bộ, đảng viên của chúng ta ở các cấp không ít đồng chí mắc phải đã phản ánh rất rõ điều đó.
Sự xử lý của chúng ta dù rất cố gắng nhưng chưa đạt được. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, mục tiêu thì đã rõ rồi, lộ trình thì minh bạch rồi nhưng bây giờ là thể chế. “Gia có gia phong, quốc có quốc pháp, đảng có đảng cương. Gia phong, quốc pháp, đảng cương mà lỏng lẻo thì không nói chuyện gì đến gia đình tốt, đến đất nước yên ổn, đảng hùng mạnh cả. Cho nên những vấn đề xung quanh thể chế là một trong nhưng phương sách căn bản để thực thi nêu gương của cán bộ, đảng viên” – nhà báo Nhị Lệ nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, hiện nay có một thực trạng mà rất nhiều đảng viên của chúng ta do bận rộn hay vì nhiều lý do khác khi tiếp nhận chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn có tính hình thức, thậm chí là hời hợt. Vì vậy cần phải hướng dẫn cán bộ, đảng viên, đặc biệt trông đợi ở những người đứng đầu ở các cấp ủy suy nghĩ thế nào, thể hiện bằng Chương trình hành động như thế nào ở tất cả các lĩnh vực mà Nghị quyết đề cập.
Chương trình hành động phải được công khai trước cấp ủy đảng, làm căn cứ để 6 tháng hay 1 năm sinh hoạt soi vào đó và đó là cơ sở để đánh giá cán bộ, đảng viên từ nhận thức đến hành động. “Nếu điều này đi vào cuộc sống thì công tác kiểm tra, giám sát phải được tăng cường hơn nữa. Tôi rất thấm thía lời Bác Hồ, 9/10 khuyết điểm trong Đảng của chúng ta vừa qua là do buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát. Chúng ta phải tăng cường kiểm tra, giám sát” - PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh chia sẽ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, phải tăng cường nhiều biện pháp hơn nữa, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ở mỗi cơ quan công sở, theo tôi, nên tổ chức hòm thư góp ý của nhân dân. Khi cấp ủy tổng hợp, lựa chọn, có chi tiết góp ý cụ thể thì tiến hành kiểm tra, giám sát. Đấy là thể hiện dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Tôi xin mạnh dạn kiến nghị, nên chăng, chúng ta phải phát động và xây dựng ý thức thực hiện văn hóa từ chức. Quốc hội cũng đã đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, theo quy định miễn nhiệm phải có 2/3 số đại biểu Quốc hội kiến nghị thì mới có thể xem xét. Tôi thấy vấn đề này phải để đảng viên tự thấy phải soi vào Quy định nêu gương này, nếu thấy không xứng đáng thì nên từ chức. Chúng ta nên thực hiện việc này một cách nghiêm túc với cán bộ, đảng viên, nhất là với người đứng đầu” - PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đề xuất.
(Theo sggp.org.vn)
.