Bản hùng ca của những chiến binh chân trần
Ngày 23-3-1949, Tiểu đoàn 309 được thành lập. Đây là lực lượng quân chủ lực của tỉnh, tác chiến trên chiến trường 3 tỉnh Tân An, Mỹ Tho và Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An). Đội quân nông dân chân trần, áo vải của vùng bưng biền đã lập nên nhiều chiến công vang dội, làm quân thù khiếp vía, kinh hồn, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 2-2010.
Đồng chí Nguyễn Kha giới thiệu hình ảnh ngày tham gia kháng chiến chống Pháp. |
CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH
Đồng chí Nguyễn Kha, nguyên là cán bộ cơ yếu của Tiểu đoàn cho biết, dù chỉ tồn tại 5 năm (1949 - 1954), nhưng đơn vị đã lập công rất lớn trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1950, khi địch tiến hành lấn chiếm kinh Nguyễn Văn Tiếp, căn cứ Đồng Tháp Mười bị thu hẹp, thế chiến trường của quân cách mạng gặp khó khăn. Được sự đùm bọc của dân làng, Tiểu đoàn đã chiến đấu quyết liệt với địch để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ căn cứ Đồng Tháp Mười.
Tiểu đoàn 309 là tiểu đoàn quân chủ lực của Tỉnh đội Mỹ Tho, khí tài trang bị khá hiện đại thời đó, chủ yếu lấy của địch đánh địch. Ngoài ra, Tiểu đoàn còn tự chế tạo ra súng Bazooka ống thiếc. Qua chiến đấu, Tiểu đoàn đã xây dựng nhiều cách đánh địch thích hợp, với những tổ săn đồn, tổ săn tàu hoạt động hiệu quả, diệt nhiều đồn bót, tàu chiến của địch.
Đến năm 1953, khí thế chiến trường chung có nhiều chuyển biến tích cực có lợi cho cách mạng, Tiểu đoàn đã chủ động tiến công chống càn quét, giành lại thế chủ động trên chiến trường. Trận Kinh Bùi vào tháng 6-1953 của Tiểu đoàn đã tạo khí thế đánh địch trong cả khu vực.
Sau trận này, Tiểu đoàn phối hợp với bộ đội địa phương đánh mạnh xuống vùng địch tạm chiếm phía Nam lộ Đông Dương (Quốc lộ 1), với nhiều trận có tiếng như: Trận Hiệp Thạnh ở Vàm Cỏ, tỉnh Long An; trận An Thạnh Thủy ở xã Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo), đánh tàu trên kinh Chợ Gạo…
Tiếng Tiểu đoàn vang lừng sau những trận đánh làm quân địch khiếp đảm. Tiểu đoàn còn hỗ trợ nhân dân nổi dậy diệt ác phá kìm, bao vây bức rút, bức hàng hàng trăm đồn bót địch. Trước đình chiến, vùng giải phóng đã mở rộng kéo dài một vệt xuống tận Gia Thuận (Gò Công).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, tháng 9-1954, tại mỏm Voi, xã Mỹ An (nay thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), Tiểu đoàn lên đường tập kết ra Bắc.
“Lúc đó tôi cũng chuẩn bị lên đường nhưng sau đó được tổ chức phân công ở lại. Đồng đội hẹn nhau 2 năm sau sẽ quay về xây dựng quê hương. Sau khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tráo trở không thực hiện tổng tuyển cử, thực hiện âm mưu xâm lược miền Nam, những người lính của Tiểu đoàn 309 có đồng chí được hồi kết về Nam trực tiếp tham gia kháng chiến, có đồng chí chiến đấu và công tác tại hậu phương miền Bắc cho đến ngày giải phóng”.
Những chiến binh chân trần một lòng vì dân theo Đảng trong những năm kháng chiến chống Pháp. |
NHỮNG CHIẾN BINH CHÂN TRẦN
Trong ký ức của cha tôi, là bộ đội của Tiểu đoàn 309 năm xưa: “Tham gia trong đội hình của Tiểu đoàn 309 là những chàng nông dân tuổi mười tám, đôi mươi, vì nợ nước, thù nhà đã quyết lòng giã từ gia đình, người thân để ra đi cứu quốc.
Ngày đó, hành trang của người lính ngoài quyết tâm diệt giặc giải phóng quê hương, chỉ có cái nốp đan bằng bàng, cái khăn rằn, bộ đồ với áo bà ba và quần đùi vải ta, không mấy ai có được chiếc quần dài. Mà quần áo cũng mấy khi lành lặn. Chân trần lội đất, đầu đội trời, vậy mà chiến đấu ngoan cường lắm!”.
Cuộc sống của người lính ngày ấy vất vả vô cùng, phải vừa chiến đấu, vừa sản xuất đảm bảo lương thực, sống cùng dân để bám trụ giữ đất giữ làng. Bộ đội đi đến đâu cũng được dân tin, dân quý, đùm bọc, chở che.
Kể về những ngày chiến đấu ở Tiểu đoàn 309, đồng chí Nguyễn Kha nhớ lại, đó là những ngày đói kém, cực khổ nhưng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội: “Từ cán bộ cho tới chiến sĩ đều đồng cam cộng khổ như nhau. Nhớ trận lụt lịch sử năm 1952, giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước mà bộ đội không có xuồng ghe, giao liên phải kết bè chuối để di chuyển, quần áo thì rách bươm, ăn uống thì thiếu thốn.
Quân nhu không đủ gạo cung cấp, mỗi người lính một ngày chỉ được 1 lon rưỡi gạo, nên sáng thì ăn cơm cho no bụng để có giặc càn vào thì đủ sức chiến đấu, còn chiều thì ăn cháo. Để cháo đặc lại, anh em có sáng kiến lấy chuối non mài ra, hay đem hạt bông súng bỏ vào nấu chung với gạo, rồi hái cọng bông súng ăn độn thêm.
Cực khổ, túng thiếu là vậy, nhưng ai nấy không hề có chút nao núng tinh thần, đều hừng hực khí thế. Trong tư tưởng của người làm cách mạng ngày đó chỉ có duy nhất một lý tưởng là chiến đấu đến cùng đánh đuổi kẻ thù để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc".
Giờ đây lớp cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 309 của ngày đó người trẻ nhất cũng gần 90 tuổi. Sau giải phóng, Ban Liên lạc Tiểu đoàn được thành lập và tìm lại được ngoài 100 người, nay chỉ còn vài chục anh em.
Chúng tôi - những người được Đảng, Quân đội rèn luyện, đã từng nếm trải sự ác liệt của chiến tranh, đã trực tiếp đương đầu với kẻ thù vô cùng hung ác và xảo quyệt, đã kinh qua cuộc sống đầy biến động của xã hội trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - lẽ sống cao đẹp của cuộc đời chúng tôi. Nghĩa Đảng, tình dân và ý chí ấy luôn có ở mỗi người lính của Tiểu đoàn” - đồng chí Nguyễn Kha cho biết.
THỦY HÀ