Thứ Sáu, 05/04/2019, 20:49 (GMT+7)
.

Đề xuất cơ chế, chính sách mang tính lâu dài, phù hợp với vùng ĐBSCL

Phát biểu tại cuộc làm việc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KT-XH cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, sụt lún nền đất ven sông, ven biển, suy giảm nguồn nước, nguồn cát, nguồn lợi thuỷ sản, các quy hoạch thiếu tính đồng bộ, liên kết…

“Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ hơn, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong các đại biểu xem xét thấu đáo các mô hình phát triển hiện đại, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính lâu dài, phù hợp với thực tiễn của vùng, trong đó tập trung vào các nội dung lớn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đó là xác định rõ các thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt; xác định quan điểm chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt liên quan đến việc sắp xếp, quy hoạch lại không gian cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái nước mặn, nước ngọt, nước lợ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, kết cấu hạ tầng, định hướng đầu tư, bảo đảm sự phát triển tổng thể, kết nối nội vùng và kết nối với TPHCM-vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, tài nguyên nước, thuế… tạo sự đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nhân lực và thị trường, khuyến khích hỗ trợ, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế điều phối, tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra.

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá trong quý I/2019, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khả quan trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng đã phát sinh một số vấn đề cần lưu ý trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành. Chính phủ đã thảo luận và có Nghị quyết, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Các tỉnh cần chủ động đánh giá tình hình, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị, để có thời gian thảo luận, nghe được nhiều ý kiến, các bộ ngành báo cáo ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc và đề xuất các giải pháp có tính đột phá, khả thi cao cho cả nội vùng và liên kết vùng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng sau cuộc làm việc này, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện các định hướng, giải pháp cho thời gian tới và sẽ được thảo luận kỹ hơn tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ trong tháng 4-2019.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.