"Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng"
Vladimir Ilyich Lenin, thường được gọi là V.I.Lênin, có tên thật là Vladimir Ilyich Ulyanov, sinh ngày 22-4-1870, ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), trong một gia đình trí thức tiến bộ. Năm 24 tuổi, Lênin vào Đảng Xã hội - dân chủ Nga. Từ đó, Lênin tổ chức và lãnh đạo cách mạng, được Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX và là 1 trong 25 biểu tượng chính trị hàng đầu qua mọi thời đại.
NHÀ TƯ TƯỞNG VĨ ĐẠI
Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực, người sáng lập nhà nước Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trên thế giới.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Di sản của Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng.
Trả lời phỏng vấn Báo L’Humanité của Pháp ngày 15-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lênin”. |
Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết và hệ thống XHCN thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã. Chiến thắng Cách mạng Tháng Mười Nga là động lực, là tấm gương để các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã.
Lịch sử thế giới đã ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Lênin luôn gắn liền với những cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Và cho đến nay, tên tuổi của Lênin vẫn sống mãi với nhân loại.
Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Dưới ngọn cờ vẻ vang của Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG CỦA LÊNIN
Từ lần gặp đầu tiên, qua Luận cương của Lênin, ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chinh phục hoàn toàn Nguyễn Ái Quốc. Trước tiên, đó là sự chinh phục về mặt tình cảm, được nung nấu bằng khát vọng cứu nước đang hằng ngày cháy bỏng trong tâm hồn người thanh niên yêu nước tìm đường giải phóng dân tộc.
Từ đó, Người quyết đi theo con đường cách mạng của Lênin. Ánh sáng tư tưởng của Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc con đường đấu tranh giải phóng cho dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc bị áp bức. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” nổi tiếng của mình viết từ những ngày vận động thành lập Đảng, Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Kể từ bài báo đầu tiên viết về Lênin của Nguyễn Ái Quốc, chỉ 6 ngày sau khi Lênin từ trần (bài Lênin và các dân tộc thuộc địa đăng trên Báo Pravda ngày 27-1-1924), thể hiện sâu sắc tình cảm của nhân dân bị áp bức ở Phương Đông và ở các nước thuộc địa đối với Lênin.
Bài báo có đoạn viết: “Từ những người nông dân Việt Nam đến người săn bắt trong rừng Đa-hô-mây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình… Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin”.
Và trong tất cả các bài viết về Lênin sau này của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết về Lênin với lòng tin tưởng và kính trọng đặc biệt. Bên cạnh việc khẳng định “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác.
Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng”, Hồ Chí Minh còn nhìn thấy Lênin “là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.
Tháng 7-1924, từ trên diễn đàn của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, họp tại Mát-cơ-va, với tư cách là đại biểu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lên tiếng kêu gọi: “Cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực của chúng ta vào vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác để thực hiện trong thực tế những lời giáo huấn của Lênin”.
HỒNG LÊ (tổng hợp)