Thủ tướng "gỡ vướng" về thanh toán các dự án BT
Thủ tướng yêu cầu Nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước với quy trình đầu tư BT rõ ràng hơn, có sự giám sát tốt hơn.
Yêu cầu được đưa ra tại cuộc họp liên quan dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Giá trị công trình BT và quỹ đất được giao chưa ngang giá
Theo đó, trước khi trình Thường trực Chính phủ, dự thảo Nghị định về thanh toán dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) đã trải qua nhiều cuộc họp, nhiều lần lấy ý kiến Chính phủ bởi đây là vấn đề khó, có nhiều quy định chồng chéo từ nhiều luật mà thực tiễn thì rất phong phú, trong khi yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm quy định chặt chẽ để chống thất thoát, lãng phí tài sản công.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh việc ách tắc trong triển khai dự án BT. Đây được xem là một khâu chưa được khơi thông trong dòng chảy kinh tế, nếu không tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Cụ thể, một số vấn đề như hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá và việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, vướng mắc lớn hiện nay là quan điểm đấu giá đất hay thanh toán ngang giá.
Theo đó, việc thực hiện thanh toán ngang giá được UBND cấp tỉnh, thành phố xác định theo 5 phương pháp theo Nghị định 44 năm 2014 về giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công.
Từng chia sẻ về vấn đề này, ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: “Thực tế khi nhà đầu tư xây dựng công trình BT là bờ ven bãi sú hoang vu, nhưng sau đó được đầu tư, thậm chí chỉ là thông tin quy hoạch, lập tức giá thị trường tăng lên. Do đó, nếu xử lý không khéo sẽ tổn thương lớn đến nhà đầu tư, song mặt khác, nếu không xem xét cụ thể thì Nhà nước sẽ thất thoát khi thanh toán”.
Mặt khác, có ý kiến cho rằng, nếu đấu giá đất thì tiền thu được phải đưa vào ngân sách để đầu tư theo Luật Đầu tư công, như vậy, hình thức BT không còn tồn tại.
Mở không gian tốt sử dụng nguồn lực phát triển
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện Nghị định với tinh thần bảo đảm tính thực tiễn để đi vào cuộc sống, nhằm phát huy tác dụng phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế 2019 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Nghị định phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ cần sớm ban hành Nghị định này với quy trình đầu tư BT rõ ràng hơn, có sự giám sát tốt hơn.
Đặc biệt, theo Người đứng đầu Chính phủ, các địa phương đang mong chờ văn bản này, tuy nhiên tinh thần phải theo nguyên tắc thị trường, chống tham nhũng, tiêu cực.
Được biết, trước khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, thì các hình thức như BT, BOT… nội hàm pháp luật về các quyền, nghĩa vụ trong đó chưa được rõ, nên trong thực tiễn thực hiện nhất là phương thức BT có tình trạng các địa phương hiểu và vận dụng chưa hẳn giống nhau.
Trên thực tế, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thi hành phải xử lý chuyển tiếp các hợp đồng trước đó. Vì vậy, đến ngày 28-12-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT với định hướng là rà soát các hợp đồng đã ký trong quá khứ để xem xét, trên cơ sở đó thực hiện thanh toán theo hợp đồng.
Sau khi Nghị quyết 160/NQ-CP được ban hành, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát các quy định của hợp đồng và các điều khoản thanh toán bằng tài sản công cũng như việc xác định giá trị tài sản công đảm bảo sát giá thị trường, nhằm tránh thất thoát cho Nhà nước. “Việc rà soát của các địa phương là rất khẩn trương và rất thận trọng”, ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính khẳng định.
(Theo enternews.vn)
.