"Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi của lịch sử"
Cách đây 65 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đã khiến thế giới sửng sốt, khâm phục, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa ở châu Á đã chiến thắng một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược.
Cờ “Quyết chiến, quyết thắng” phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-Cát-xtơ-ri. Ảnh: TL |
THẾ TRẬN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN
Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra. Với tầm nhìn xa và chủ động, ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ: “Cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân nên phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Quân và dân ta đã sớm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ là một tổ chức tham mưu”.
Thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã khiến quân Pháp đông mà hóa ra ít, muốn tập trung lực lượng mở chiến dịch/đòn đánh lớn, lại phải phân tán lực lượng để đóng giữ, đối phó. Địch muốn chủ động, cơ động tiến công hoặc ứng cứu đồng bọn, đã bị lực lượng kháng chiến tại chỗ, bị chiến tranh du kích kìm chân.
Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những tiêu biểu về thế hiểm mà chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân tạo nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm. Nếu duỗi ra thì dễ bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt, làm chúng thất bại hoàn toàn”.
Hiệu quả của thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đan cài khiến Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp vốn đã khó khăn, càng cực kỳ lúng túng, bất lực, không có lối thoát trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.
Bộ đội tiến vào khu Trung tâm. |
Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định đưa đến thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã; đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
… Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công. HỒ CHÍ MINH |
KỂ CHUYỆN ĐIỆN BIÊN
Để kéo pháo vào trận địa, bộ đội phải làm hơn 60 km đường trên các sườn núi, cheo leo bao quanh Điện Biên Phủ. Để đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa, chúng ta đã sửa và làm dưới làn bom đạn của địch 415 km đường kéo pháo.
Để bao vây tiêu diệt địch, chúng ta đã đào một lưới hào giao thông dài tổng cộng 200 km thắt chặt dần vào “cổ họng” của địch. Để hoàn thành đúng thời hạn, các chiến sĩ công binh ta đã phải làm việc mỗi ngày 12, 13 giờ liền. Dụng cụ rất thiếu, anh em phải chia kíp để làm với khẩu hiệu “người nghỉ nhưng dụng cụ không nghỉ”, có nơi, các chiến sĩ phải lấy đá đập đá, lấy vỏ bom làm vồ nện đất.
Đất phá ra, đổ xuống suối làm đỏ ngầu dòng nước. Để giữ bí mật, ta phải đắp hàng loạt kè lọc nước những dòng suối chảy về Mường Thanh. Đường làm ban đêm, phải đốt đuốc. Máy bay địch đến, phải tắt. Hết máy bay, lại thắp. Nhưng thắp lại thì rất lâu. Cho nên chiến sĩ ta nghĩ ra cách đào những cái “hố giấu đuốc”.
Máy bay đến, bỏ đuốc vào đó, đậy nắp lại, hết máy bay, lấy đuốc ra, khua vài vòng, lửa lại bùng lên. Phá đá làm đường thì phải dùng mìn. Để khỏi bị lộ, các chiến sĩ công binh khoan, đục lỗ và đặt mìn vào đó, chờ khi máy bay địch thả bom hoặc pháo địch bắn thì mới cho nổ. Tiếng mìn phá đá của ta lẫn vào tiếng bom, pháo của địch. Có nhiều tay quai búa khỏe đến lạ. Đồng chí Đào Tư ở Tiểu đoàn 155 đã quai liền một lúc 3.000 phát búa…
Đáp lại tiếng gọi của tiền tuyến, hàng chục vạn đồng bào ta từ nữ thanh niên đến người đứng tuổi, có khi cả những cụ ông nhưng còn sức từ vùng tự do đến vùng sau lưng địch, nhà nghèo thì tự đan bồ, nhà giàu thì hiến xe đạp, miền núi thì hiến ngựa hoặc tự đóng bè, mảng nườm nượp vận chuyển gạo, muối, thực phẩm, đạn dược, thuốc men tiến về mặt trận.
Có anh, chị dân công bốc vác mỗi chuyến 1 tạ gạo. Những chiếc mảng lúc trước mỗi chuyến chỉ chở 3 tạ, mỗi đêm vượt thác xuôi dòng Nậm Na về Điện Biên 1 chuyến. Sau thi đua nhau mỗi chuyến chở 4 tạ và xuôi 2 chuyến cả ngày lẫn đêm. Nhân dân khắp nơi đã gửi ra mặt trận 1,5 vạn tấn gạo, gần 2.000 tấn thực phẩm khác (thịt, rau, đường, muối…) và 1 vạn con trâu, bò.
Số xe đạp được huy động để thồ hàng cho mặt trận là 3.000 chiếc. Anh Ma Văn Thắng ở huyện Thanh Ba, tỉnh Vĩnh Phú đã thồ 337 kg lương thực bằng xe đạp trên các chặng đường gồ ghề, đèo dốc quanh co. Ông Phàn, cũng ở tỉnh Vĩnh Phú gánh tới 60 kg gạo trên vai đi hết đêm này qua đêm khác. Các đoàn giao thông vận tải đã góp 38,68 triệu ngày công.
Để ngăn cản việc tiếp vận của ta, địch cho máy bay ngày đêm bắn phá các đoạn đường xung yếu, các đèo cao, các bến phà… Chúng còn rắc chông sắt, dùng hóa chất làm “mưa nhân tạo” xuống các nẻo đường của ta. Chúng làm cho con đường ra mặt trận của ta thêm gian nan, nguy hiểm. Nhưng với khẩu hiệu “Không để một đêm nào lỡ kế hoạch vận chuyển”, các “binh đoàn” tiếp vận của ta vẫn không chùn bước…
Thời gian đã lùi xa nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn; đồng thời, đã để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
HỒNG LÊ (tổng hợp)