Đóng góp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Song với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; sự điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành trên tinh thần đổi mới, quyết liệt, linh hoạt; sự giám sát của Quốc hội với phương châm xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả, đã tạo chuyển biến mới về nói đi đôi với làm, tăng cường niềm tin, lòng yêu nước của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đạt và vượt so với kế hoạch đã được thể hiện qua Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điều này rất đáng trân trọng và ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm một số tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân để có những giải pháp trong chỉ đạo, điều hành trong năm 2019, cụ thể như sau:
Một là, về công tác chuẩn bị các dự án luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật sự được tốt, còn tình trạng bổ sung, đưa ra khỏi chương trình, lùi thời gian các dự án luật còn xảy ra, chưa được khắc phục. Cụ thể như, bổ sung 1 dự án luật theo quy trình thủ tục rút gọn, đưa ra khỏi chương trình 1 dự án luật, lùi 2 dự án luật.
Bên cạnh đó, công tác ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm so với các luật đã có hiệu lực, cụ thể như: Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, nhưng đến ngày 7-5-2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn có liên quan đến hình thức đầu tư BT, điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hai là, việc giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước còn rất chậm, đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 75,8% , trong đó vốn trong nước giải ngân đạt 79,8%, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 48,1%, vốn nước ngoài đạt 53,6%, như vậy qua báo cáo thì tất cả điều giải ngân không đạt, đây là vấn đề nhiều năm qua còn tồn tại mà Chính phủ chưa khắc phục được.
Do đó, đề nghị Chính phủ cần phân tích làm rõ nguyên nhân vì sao giải ngân chậm để tìm giải pháp khắc phục, vì năm 2017 cũng xảy ra tình trạng này, như vậy nguyên nhân từ đâu, từ cơ chế, chính sách hay là từ khâu tổ chức thực hiện và cần làm rõ trách nhiệm này thuộc về ai, cơ quan nào làm chậm trễ và quyết tâm không để tình trạng này lại xảy ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Hai vấn đề nêu trên đã được các đại biểu Quốc hội có ý kiến rất nhiều trong buổi thảo luận đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), nên đề nghị Chính phủ và các cơ quan Chính phủ tiếp tục quan tâm tìm giải pháp khắc phục.
Ba là, về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và nợ BHXH của các doanh nghiệp, việc này đã tìm ra nguyên nhân, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, đến nơi đến chốn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Bốn là, qua báo cáo chúng ta thấy nền kinh tế phát triển là đáng mừng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo trên cả nước còn ở mức khá cao (33,78%), điều này có liên quan đến việc bố trí vốn cho các Chương trình mục tiêu, dự án, đề án đã được phê duyệt chưa đảm bảo, làm hạn chế trong tổ chức thực hiện.
Về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong 4 tháng đầu năm 2019
Tăng trưởng GDP trong quý I-2019 chỉ đạt 6,79%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (đạt 7,45%), điều này cho thấy đã xuất hiện những khó khăn tác động đến nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án lớn có sức lan tỏa đến các vùng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến quá phức tạp gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi của nước ta. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm và tập trung thực hiện một số giải pháp sau trong thời gian còn lại của năm 2019:
1. Khẩn trương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách có liên quan đến các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có sức lan tỏa nhanh như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án thu hồi đất sân bay quốc tế Long Thành, Dự án cao tốc Trung lương - Mỹ Thuận, sạt lở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu… Riêng đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã giao tỉnh Tiền Giang nhận chuyển giao từ Bộ Giao thông - Vận tải về cho tỉnh quản lý; theo chỉ đạo của Thủ tướng thì ngân sách Trung ương bố trí trên 2 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện Dự án. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn chỉnh các thủ tục để trình Chính phủ giao đủ nguồn kinh phí nêu trên để đảm bảo cho Dự án thực hiện đúng tiến độ hoàn thành vào năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Hoàn thiện Đề án thí điểm tập trung tích tụ đất đai phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cần có những giải pháp cụ thể để hạn chế sốt đất trong thời gian vừa qua tại một số địa phương không kiểm soát được, nhất là ở những vùng dự kiến nâng lên đô thị, khu quy hoạch, vùng giáp ranh.
3. Cân đối nguồn lực, ngân sách nhà nước để bố trí đảm bảo kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, đề án đã được phê duyệt, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là các dự án, đề án liên quan đến vấn đề an sinh xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để từng bước rút ngắn tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng khó khăn.
4. Tập trung mọi nguồn lực trong việc phòng, chống, dập tắt các ổ dịch tả lợn châu Phi nhằm hạn chế lây lan sang các địa phương khác; nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho nông dân gây dựng lại đàn sau khi công bố chấm dứt dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có chế tài đủ mạnh trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản không đúng quy định, tranh thủ các tổ chức quốc tế nhằm sớm xem xét gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam vào cuối năm 2019 như đã cảnh báo.
5. Có kế hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trong đó cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến việc bán điện hạ thế của hộ dân và doanh nghiệp. Vấn đề này đang vướng ở các doanh nghiệp bán điện sạch cho ngành Điện.
6. Về vấn đề phát triển bền vững, đây là thuật ngữ được hầu hết các nước trên thế giới thường xuyên sử dụng trong những năm gần đây.
- Việc phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch khám phá tại những nơi còn hoang sơ, những đảo xa đất liền của nước ta: Việc này đang phát triển rất rầm rộ, các hòn đảo trước đây còn hoang sơ ít người biết đến, nay đã được khai thác nhiều hơn và trở thành điểm đến yêu thích của không ít giới trẻ, kể cả người nước ngoài, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết.
Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này không đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ kèm theo ở những nơi đó, tạo ra nhiều hệ lụy, nhất là về môi trường, vì những nơi này việc thu gom và xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa sử dụng một lần chủ yếu là công cụ thô sơ và thải trực tiếp tại chỗ, vô tình đã hình thành các bãi rác tự phát, nếu không có biện pháp xử lý rốt ráo vấn đề này thì trong tương lai không xa những nơi này sẽ trở thành bãi rác ngoài khơi, phá hủy môi trường ở những nơi đó và tất nhiên là hủy hoại việc phát triển du lịch ở những nơi này.
- Việc ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước và xử lý vi phạm có liên quan: Những năm gần đây, chúng ta đặc biệt và rất quan tâm đến việc xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là việc xử lý trách nhiệm đối với doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn có một số vấn đề quan trọng, cấp bách khác cần có hướng giải quyết cụ thể, đó là ô nhiễm ở những bãi rác có sẵn và phòng tránh hình thành các bãi rác tự phát tại địa phương, nhất là các đô thị lớn.
Do tốc độ đô thị hóa rất nhanh ở các địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn, cùng với việc phân lô bán nền bừa bãi, thiếu quy hoạch tại các địa phương đã vô tình biến các dòng kinh, con rạch thành các bãi rác tự phát, hệ quả là vừa làm ô nhiễm nguồn nước, vừa hình thành các ổ dịch, làm lây lan dịch bệnh khó kiểm soát, nhất là trong mùa mưa, khiến người dân rất bức xúc.
Do vậy, bên cạnh việc các địa phương cần tiếp tục, thường xuyên có kế hoạch dọn dẹp, nạo vét kinh, rạch trên địa bàn, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này, cần kết hợp chặt chẽ với địa phương để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn trong việc xử lý các hành vi xả rác nơi công cộng, đặc biệt là xả rác tại các kinh, rạch, sông, suối, nhất là vùng hạ lưu, đặc biệt cần có nghiên cứu các phương pháp xử lý phạt mang tính răn đe thật nặng để phòng ngừa chung cho xã hội.
MINH NHỰT (tổng hợp)