Tuyến lửa Trường Sơn, xứng đáng con đường mang tên Bác
Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Các chiến sĩ công binh vật lộn với dòng nước xiết để bắc cầu cho xe vào chiến trường. Ảnh: VĂN SẮC - TTXVN. |
SỰ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN 559 - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VÀ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.
Năm 1959, Đoàn có nhiệm vụ soi đường, bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp 7.000 súng bộ binh, tổ chức bảo đảm đưa 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.
… Con đường Trường Sơn thể hiện quyết tâm sắt đá của Đảng ta, dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng giải phóng bằng được hoàn toàn miền Nam thân yêu, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc. Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần sâu sắc quyết tâm chiến lược của Đảng, nêu cao tinh thần dũng cảm tuyệt vời, phát huy cao độ trí thông minh và sáng tạo, nhờ vậy mà dưới mưa bom lửa đạn của quân thù, một hệ thống giao thông huyết mạch đã được xây dựng, vượt qua các triền núi trùng điệp, vượt qua biết bao con suối, biết bao ngọn đèo, mang sức mạnh chi viện về người, về của từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn, góp phần trọng đại đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi ngày nay… |
Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ.
Ngoài Đoàn bộ, Đoàn được tổ chức thành Tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm.
Ra đời tháng 5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 (đến ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559). Con đường đã được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh.
Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam, bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở Vĩnh Linh), sau đó vạch tuyến phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, phải chủ động tránh địch và bí mật.
Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bót của địch, ngày 20-8-1959, chuyến hàng đầu tiên trên tuyến đường gùi được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân và dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH LÀ TUYẾN VẬN TẢI QUÂN SỰ CHIẾN LƯỢC
Nhờ có hệ thống đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Nếu tính trong 6 tháng cuối năm 1959, với phương thức gùi bộ là chủ yếu, Đoàn 559 mới vận chuyển được 32 tấn vũ khí giao cho Khu 5, thì trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lượng hàng đưa đến các chiến trường là hơn 27.900 tấn, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đơn vị kỹ thuật cung cấp cho các mặt trận.
Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lượng hàng vận chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn. Đặc biệt, trong 2 năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường hơn 403.300 tấn. Như vậy, tính chung, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu...
Cùng với vận chuyển hàng quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.
Không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, Trường Sơn còn có một vị trí chiến lược quan trọng như là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.
Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào.
Đặc biệt, từ năm 1973 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu, đường, đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam; luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng 30-4-1975.
BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN ĐÃ ANH DŨNG CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG VẺ VANG
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thực sự là một chiến trường ác liệt, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Những chiến sĩ trên Trường Sơn là những chiến sĩ trên mặt trận chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù, bảo đảm cho tuyến đường thông suốt. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn đánh phá với những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh vô cùng hiện đại nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược. Trong cuộc “chiến tranh ngăn chặn” này, không quân Mỹ - ngụy đã đánh phá 151.800 trận với 733.000 lần chiếc máy bay, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn…
Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: Công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không - không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…, thực sự trở thành một chiến trường tổng hợp, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17 ngàn tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10 ngàn tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc da cam của địch.
Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này. Đường Hồ Chí Minh còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.
Đã 60 năm qua, chiến tranh đã lùi xa, nhưng với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của Trường Sơn thì Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gian khổ, ác liệt nhất song cũng đầy vinh quang và tự hào luôn hằn sâu trong ký ức. Trường Sơn vẫn vẹn nguyên và nóng bỏng trong mỗi con tim của các cựu chiến binh Trường Sơn.
HỒNG LÊ (tổng hợp)