.

Xếp bút nghiên lên đường bảo vệ biên giới thiêng liêng phía Bắc

Cập nhật: 14:48, 01/05/2019 (GMT+7)

“Tôi rất tha thiết được lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Vinh quang thuộc về thế hệ trẻ lên đường bảo vệ Tổ quốc…”.

40 năm trước, những bức huyết thư có đoạn như thế đã được hàng trăm, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên, học sinh trích máu tay viết nên, để mong được làm Bộ đội Cụ Hồ lên đường bảo vệ biên giới thiêng liêng phía Bắc của Tổ quốc. Trong đó, Tiểu đoàn Ấp Bắc II là đội quân của Tiền Giang.

Lễ xuất quân của Tiểu đoàn Ấp Bắc II tại Khu di tích Giồng Dứa vào năm 1979.
Lễ xuất quân của Tiểu đoàn Ấp Bắc II tại Khu di tích Giồng Dứa vào năm 1979.

ĐÁP LỜI SÔNG NÚI

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), những tưởng nhân dân ta được sống trong hòa bình, tập trung khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng đất nước; thế nhưng, Pol Pot - Ieng Sary bị sự xúi giục, hỗ trợ, giúp đỡ của các thế lực bên ngoài đã tiến hành tấn công xâm lấn, cướp bóc, giết hại hết sức dã man nhân dân ta suốt dọc theo tuyến biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

Mặc dù Đảng, Nhà nước ta chủ trương và kiên trì giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, nhưng không hiệu quả.

Đứng trước tình thế đó, buộc Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia, Quân đội ta cùng với lực lượng của Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia tiến hành cuộc tiến công thần tốc, tiêu diệt và lật đổ chế độ diệt chủng của Pol Pot, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng vào ngày 7-1-1979.

Đang tích cực giúp đỡ nhân dân Campuchia ổn định lại cuộc sống; thì ngày 17-2-1979, Trung Quốc đưa trên 60 vạn quân tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, gây biết bao đau thương cho đồng bào ta.

Đảng ta lại một lần nữa lãnh đạo toàn dân bước vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. 

“Động vi binh, tĩnh vi dân”, sau ngày giải ngũ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Ấp Bắc II năm xưa trở về với cuộc sống đời thường, góp sức xây dựng quê hương trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Không phân biệt vị trí xã hội hiện tại, từ năm 2004 đến nay, hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Ấp Bắc II lại hội ngộ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm năm xưa và chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống hiện tại.

Ban Liên lạc Tiểu đoàn Ấp Bắc II đã vận động quyên góp giúp đỡ đồng đội được trên 200 triệu đồng. Ai khó khăn về nhà ở thì vận động xây tặng “Nhà đồng đội”, ai bị bệnh thì đến thăm nom, ai có hoàn cảnh khó khăn thì cho mượn vốn làm ăn…

Thực hiện Sắc lệnh số 29; lệnh tổng động viên trong cả nước của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ngày 5-3-1979, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chuẩn bị thành lập Tiểu đoàn Ấp Bắc II để đưa quân ra biên giới phía Bắc tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới.

Thời điểm lúc bấy giờ, chúng tôi (có cả nữ), đã hăng hái đăng ký tình nguyện nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiều đồng chí viết đơn tình nguyện bằng máu của mình: Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Kiều Hạnh, tôi…

Ngày 30-4-1979, Tiểu đoàn Ấp Bắc II tỉnh Tiền Giang được công bố thành lập và ra mắt tại khán đài của tỉnh, nay là Nhà Thiếu nhi tỉnh. Gần 600 chiến sĩ của Tiểu đoàn là đoàn viên, thanh niên, học sinh của các trường trung học phổ thông: Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), Trương Định (Gò Công), Đốc Binh Kiều (huyện Cai Lậy).

Tất cả chúng tôi vì trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc thân yêu của mình.

TRƯỞNG THÀNH TRONG GIAN KHÓ

Ngay sau khi thành lập, Tiểu đoàn được huấn luyện cấp tốc, ngày 16-6-1979 đơn vị được lệnh làm lễ xuất quân tại Khu di tích lịch sử Giồng Dứa, hành quân ra biên giới phía Bắc.

Tiếp tục huấn luyện tại Sư đoàn 441 (Quân khu 4, xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ An; nay là tỉnh Hà Tĩnh), đến ngày 1-12-1979 Bộ Quốc phòng phát lệnh hành quân và biên chế Tiểu đoàn Ấp Bắc II vào Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 - Bộ Quốc phòng, đóng quân ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, nay là tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, chúng tôi được phân về các đơn vị chủ lực tiếp tục học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Thời gian này đất nước ta còn quá nhiều khó khăn, lương thực thực phẩm hết sức eo hẹp, chúng tôi phải ăn rau tàu bay, măng rừng, mì vắt, củ sắn, củ khoai, thậm chí cả hột mít để thay cơm.

Đồng thời, phải chịu đựng cái nắng nóng, oi bức của gió Tây; cái lạnh buốt đến thấu xương của gió mùa Đông Bắc và giá rét của mùa Đông…

Vượt qua tất cả, đồng đội chúng tôi đã tích cực thực hiện khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, ai cũng tự giác học tập chính trị, quân sự, rèn luyện quân phong, quân kỷ, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, làm chủ các loại vũ khí được trang bị…

Nhiều đồng chí đạt thành tích xuất sắc được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, “Chiến sĩ Quyết thắng”, Huân chương, Huy chương “Chiến sĩ vẻ vang”; khi ra quân, chuyển ngành, nhiều đồng chí được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Bây giờ, hầu hết các đồng chí đã trở thành cựu chiến binh.

Sau hơn 4 năm (1979 - 1984) học tập, rèn luyện trong Quân đội, hầu hết đồng đội chúng tôi được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho phục viên, xuất ngũ  trở về địa phương tiếp tục cống hiến sức trẻ cho quê hương; một số đồng chí được chuyển ngành, như đồng chí Phan Thanh Sơn, hiện là Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Thanh Minh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Võ Văn Năm, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Mỹ Tho…

Riêng các đồng chí được ở lại trong Quân đội đều trưởng thành, là cán bộ cao cấp, như Đại tá Lê Văn Rô, nguyên Trưởng phòng Dân vận Cục Chính trị Quân khu 9; Đại tá Phạm Trung Vinh, nguyên là Chính ủy Trường Quân sự tỉnh; Đại tá Nguyễn Hữu Chí, cán bộ Tổng cục II, Bộ Quốc phòng…

Đặc biệt là, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…

40 năm đã trôi qua, nhưng những hình ảnh, tình cảm của những ngày tháng năm xưa luôn đọng lại trong chúng tôi. Chúng tôi tự hào về những cống hiến của mình, tự hào là tuổi trẻ của tỉnh Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung: “Vinh quang thuộc về thế hệ thứ tư ”, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng dặn dò thế hệ tuổi trẻ chúng tôi. Chúng tôi nguyện sẽ mãi giữ gìn và phát huy những phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, làm gương cho thế hệ trẻ hôm nay.

VÕ VĂN NHI

.
.
.