Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức, viên chức
(ABO) Chiều 10-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, và các nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật đã tham gia ý kiến 5 vấn đề, cụ thể như sau:
1. Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (tại Điều 6, Luật Cán bộ, công chức)
Thực tiễn trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã ban hành chính sách thu hút, sử dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Nhiều người đã được thu hút, được đào tạo, bồi dưỡng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những người này xin nghỉ việc để ra khu vực tư. Ngược lại, nhiều lĩnh vực công không thể thu hút người có tài năng về làm việc do nhiều nguyên nhân như: Tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội phát triển không bằng khu vực tư.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách bảo đảm quy trình thủ tục tụyển dụng người có tài năng vào làm việc khu vực công một cách đơn giản; quy định chính sách bảo đảm điều kiện làm việc để phát huy tài năng; quy định chính sách bảo đảm cơ hội phát triển cho người có tài năng.
2. Về phân loại đánh giá cán bộ, công chức (tại Điều 29 và Điều 58, Luật Cán bộ, công chức)
Để có cơ sở loại bỏ những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu công việc, khen thưởng xứng đáng cho những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cũng như cán bộ, công chức biết rõ được những điểm nào mình còn hạn chế cần khắc phục, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 khoản trong Điều này, giao Chính phủ quy định về các Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức một cách chi tiết, rõ ràng, có thể định lượng được, gắn với vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức; Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức đánh giá, cán bộ, công chức một cách khách quan, minh bạch; Quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc lập kế hoạch khắc phục những mặt còn hạn chế.
3. Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật (tại Điều 80 Luật Cán bộ, công chức và Điều 53 của Luật Viên chức)
Để tăng tính răn đe, phòng ngừa cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật một cách tinh vi, không thể phát hiện trong thời gian thực thi công vụ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng và hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng của cán bộ, công chức, viên chức. Vì theo quy định như dự thảo, nếu cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khi 40 tuổi và không bị phát hiện thì cán bộ, công chức này sẽ không bị xử lý kỷ luật và vẫn đủ điều kiện được xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn, khi cán bộ, công chức, viên chức này 45 tuổi, 50 tuổi.
4. Về các loại hợp đồng làm việc (tại Điều 25 Luật Viên chức)
Tán thành với phương án là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn. Phương án này khắc phục được tâm lý “Viên chức suốt đời”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm, bảo đảm cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, có trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
5. Về việc chuyển từ công chức sang viên chức và ngược lại
Trong công tác cán bộ, do yêu cầu công việc, tổ chức đã điều động cán bộ từ công chức sang viên chức và ngược lại. Tuy nhiên, việc này cũng làm nhiều công chức, viên chức được điều động rất tâm tư do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 Điều quy định về việc chuyển từ công chức sang viên chức và ngược lại để công chức, viên chức được điều động phấn khởi nhận nhiệm vụ mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới.
MINH NHỰT (tổng hợp)