Chủ Nhật, 16/06/2019, 08:48 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU TẠ MINH TÂM - ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG

Đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Thư viện

(ABO) Chiều ngày 11-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.

Phát biểu ý kiến thảo luận, Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật Thư viện. Đồng thời đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, qua nghiên cứu báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Thư viện, đối chiếu với những vấn đề đặt ra, nguyên nhân tồn tại, những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục phân tích, đánh giá, làm rõ thêm các nguyên nhân, tác động hạn chế đến sự phát triển của thiết chế thư viện trong thời gian vừa qua. Từ góc độ về chính sách, nguồn lực, triển khai thực hiện, từ đó rút ra những kinh nghiệm và hoàn thiện chính sách đang cập nhật trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát lại dự thảo Luật để phù hợp, nhằm giải đáp thỏa đáng các vấn đề sau: Trên cơ sở công tác dự báo tình hình cần làm rõ hơn khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của thiết chế thư viện trong thời gian tới, từ đó xác định định hướng thư viện, cấu trúc thư viện; cần xác lập, vai trò, mức độ chi phối của khu vực công lập, trách nhiệm của hệ thống thư viện trung tâm, vai trò của hệ thống thư viện vệ tinh, sự cần thiết cũng như năng lực đáp ứng của thư viện cấp huyện, xã, mức độ bao phủ của mạng lưới thư viện công lập, bao phủ theo địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã hay theo đặc điểm của địa bàn dân cư, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng địa lý, từng khu vực kinh tế - xã hội.

Đề nghị Ban soạn thảo dự báo, đánh giá rõ thêm khả năng thu hút các nguồn lực xã hội, sự tâm huyết của cá nhân đầu tư phát triển mạng lưới thư viện theo mô hình doanh nghiệp, thư viện tư nhân, phục vụ cộng đồng, thư viện ngoài công lập.

 

Từ những dự báo đó, đề nghị cung cấp đủ thông tin để thiết kế hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển hài hòa cộng đồng trách nhiệm, phát huy thế mạnh của mỗi loại hình nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập, nghiên cứu, nâng cao dân trí, phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.

Đề nghị xác định rõ hơn mô hình thư viện mà chúng ta muốn hướng tới. Với góc độ tổ chức, kỹ thuật nghiệp vụ, thư viện vừa đáp ứng được nhu cầu thông tin hết sức mạnh mẽ và đa dạng như hiện nay và đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, vừa thuận lợi trong tiếp cận, khai thác, đa dạng hóa chức năng, nhiệm vụ, sản phẩm cung ứng phù hợp với thực tế, còn khoảng cách về điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng và địa bàn dân cư.

Tại Chương III của dự thảo Luật, có 10 Điều luật quy định về hoạt động của thư viện, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh Chương III thành "Tổ chức và hoạt động thư viện", trong đó lượt qua các tiêu chí về mặt kỹ thuật tổ chức thư viện, yêu cầu bắt buộc ứng dụng khoa học và công nghệ, khả năng kết nối liên thông hoạt động nghiệp vụ thư viện, quy trình hoạt động thư viện nhằm đảm bảo thư viện theo luật mới đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Báo cáo tổng kết Pháp lệnh Thư viện và tài liệu hồ sơ trình dự án luật đã thể hiện rất rõ, đề nghị xác định rõ khung cơ chế tài chính, mức độ đầu tư, mức độ tự chủ của các thư viện trong khối công lập khi luật mới ra đời, mức độ khắc phục những bất cập qua quá trình thực hiện Pháp lệnh Thư viện.

Theo Tờ trình của Chính phủ, các quy định về tài chính, tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, của thư viện nói riêng dẫn đến các quy định về ngân sách bảo đảm cho hoạt động của thư viện không còn phù hợp, nhất là khi số lượng thư viện công lập đã tăng đáng kể về số lượng, các thư viện đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu về ngân sách, đầu tư cho thư viện còn hạn chế, việc xây dựng, bổ sung vốn tài liệu ở nhiều thư viện, đặc biệt là thư viện cấp huyện, xã, trường phổ thông hầu như không có hoặc rất ít, hơn 30% thư viện cấp huyện chưa được cấp đủ kinh phí hoạt động.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xác định rõ chính sách, tạo nguồn lực hợp lý, thỏa đáng để trước hết là duy trì sự tồn tại hoạt động để rồi vươn lên phát triển hệ thống thư viện trong điều kiện mới; đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm rõ mô hình, tính khả thi của loại hình thư viện thành lập theo mô hình doanh nghiệp thể hiện ở điểm a khoản 2 Điều 10 Chương II dự thảo Luật, khả năng thu hút các nguồn lực kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thư viện, cũng như phương thức quản lý tác động để loại hình này phát huy được thế mạnh trong thực tiễn hoạt động.

Về nhân lực thư viện: Các tổng kết, đánh giá đã chỉ ra trình độ cán bộ thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều nơi còn yếu và thiếu, đời sống đội ngũ nhân lực thư viện cần được cải thiện, nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá chính sách đã được đưa ra trong dự thảo Luật có đủ mạnh để khắc phục bất cập, hạn chế mà thực tiễn đã chỉ ra hay chưa; có đủ sức tạo lập và thu hút nguồn nhân lực chuyên môn cao cho hoạt động thư viện cả công lập và ngoài công lập.

Bên cạnh đó, tại điểm d khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật có nêu một trong các chính sách của Nhà nước về thư viện như sau: Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện lại, vì chính sách đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thư viện cần đáp ứng yêu cầu của các khu vực thư viện công lập và ngoài công lập. Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta dự kiến xây dựng chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư cho loại hình thư viện theo mô hình doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển thư viện như hiện nay.

Thứ hai, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đề cập tới nội dung chiến lược phát triển thư viện trong dự thảo Luật để xác định quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ quan chủ trì và đầu mối chịu trách nhiệm trong quá trình phát triển mạng lưới thư viện công lập và ngoài công lập. Đặc biệt là thiết lập và thực thi phương án tái cấu trúc hệ thống thư viện công lập hiện có, giải thể, sắp xếp các đơn vị không còn hiệu quả, phát huy các đơn vị có tiềm năng, năng lực, nâng cao tiêu chuẩn, đa dạng hóa phương thức hoạt động và mục tiêu khi xây dựng luật đã đặt ra.

Nghiên cứu thể hiện thỏa đáng định hướng cũng như trách nhiệm bổ sung hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động của thư viện, bảo đảm bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn này phù hợp, tương thích với sự phát triển chung của công nghệ kỹ thuật, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, về sự phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ dịch vụ thư viện hiện đại... làm cơ sở bảo đảm năng lực các thư viện mới được thành lập cũng như cơ sở rà soát, giải thể, sáp nhập, kiện toàn, củng cố các đơn vị còn hạn chế và yếu kém.

Thứ ba, đề nghị nghiên cứu cấu trúc lại dự thảo Luật, bổ sung chế định về các loại hình thư viện, trong đó xác định rõ khái niệm chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các thiết chế quan trọng nòng cốt trong hệ thống thư viện, như: Thư viện Quốc gia, Thư viện trung tâm, Thư viện chuyên ngành, Thư viện đại học. Do hiện nay các chủ thể này được quy định rải rác trong các điều luật và cũng nhằm bảo đảm sự nhất quán, đồng bộ, hợp lý và chặt chẽ, làm cơ sở để thiết kế các chính sách và quy định trách nhiệm một cách thống nhất và thuận lợi.

Đặc biệt, trong đó nghiên cứu bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm trong việc điều hòa, phối hợp phát triển tài nguyên số dùng chung, hệ tri thức số quốc gia liên thông thư viện; kết hợp hài hòa giữa hoạt động thư viện với thông tin khoa học và công nghệ nhằm phát huy hiệu quả hạ tầng quốc gia về thông tin thư viện của đất nước; xây dựng hành lang pháp lý để gắn kết Thư viện đại học và các Thư viện chuyên ngành.

Thứ tư, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm mô hình thư viện công lập về loại hình, trách nhiệm, yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển, định hướng bao phủ cũng như khả năng đầu tư của ngân sách. Chính sách tài chính dự kiến để thiết kế thư viện công lập có điều kiện tồn tại và phát triển mạnh để khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Thư viện.

Về điều kiện thành lập thư viện, đề nghị bổ sung thêm 2 tiêu chí: Một là phải phù hợp với chiến lược phát triển thư viện. Hai là phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động của thư viện.

Cụ thể là về xử lý tài liệu thư viện, tổ chức bộ máy tra cứu về bảo quản vốn tài liệu thư viện, tiện ích thư viện, về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cũng như khả năng tham gia kết nối liên thông mạng lưới thư viện trong và ngoài nước.

Minh Nhựt (tổng hợp)

.
.
.