Thực trạng thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) từ cơ chế Nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước; đồng thời, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL.
Tuy vậy, để chủ trương này được thực hiện hiệu quả, rất cần cơ chế phù hợp. Trong đợt giám sát mới đây của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh về vấn đề này cho thấy, nhiều đơn vị SNCL của tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ vẫn còn nhiều bất cập…
Quang cảnh Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh làm việc với Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. |
TỰ CHỦ ĐỂ PHÁT TRIỂN
Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang (gọi tắt bệnh viện) là đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 43/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị SNCL. Theo đó, năm 2018 ngân sách nhà nước không cấp cho bệnh viện kinh phí chi hoạt động thường xuyên.
Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) từ cơ chế Nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước; |
PGS-TS Tạ Văn Trầm, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Cụ thể hóa Nghị định 43 của Chính phủ, chúng tôi đã chủ động triển khai thực hiện nhiều nội dung như: Xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển; tổ chức triển khai thực hiện cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp với tình hình thực tế; đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ngày một tốt hơn…
Vì vậy, năm 2018, lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng, chỉ tiêu giường bệnh là 780, công suất sử dụng giường bệnh là 145% (năm 2017 là 142,6%). Đặc biệt, đội ngũ thầy thuốc và người lao động được đánh giá thông qua năng suất, hiệu quả làm việc, thu nhập tăng thêm không có tính cào bằng, cơ chế đánh giá thi đua - khen thưởng minh bạch, rõ ràng.
Năm 2018 bệnh viện chi thu nhập tăng thêm trên 29 tỷ đồng cho 900 cán bộ, nhân viên, người lao động (CBNVNLĐ). Môi trường tự chủ đòi hỏi đội ngũ CBNVNLĐ phải đổi mới, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thích nghi với môi trường mới”.
Tương tự, tại Trường Đại học Tiền Giang, lãnh đạo nhà trường cũng đã chủ động trong việc thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ, năng động trong việc tăng cường tìm kiếm, ký kết thực hiện các hợp đồng dịch vụ để tăng nguồn thu như: Cho thuê tài sản, liên kết đào tạo, mở các lớp đào tạo ngắn hạn… Các hoạt động này đã phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho đơn vị, cụ thể năm 2017 doanh thu từ các dịch vụ đạt trên 7 tỷ đồng, năm 2018 đạt trên 5,5 tỷ đồng.
Ở Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất (BQLDA&PTQĐ) TP. Mỹ Tho, là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% về tài chính, chuyển sang thực hiện cơ chế quản lý tài chính theo Nghị định 141/2016 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Giám đốc BQLDA&PTQĐ TP. Mỹ Tho Lê Phi Vũ cho biết: “Năm 2018, nguồn kinh phí sử dụng trong năm của đơn vị trên 10 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ năm 2017 chuyển sang trên 4 tỷ đồng, nguồn thu từ các dự án quản lý và nguồn thu khác trên 6 tỷ đồng, Nhà nước không cấp kinh phí. Nhờ chú trọng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu người dân nên nguồn thu tăng, bảo đảm hoạt động của đơn vị và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức”.
Phải khẳng định, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị SNCL đã được trao quyền tự chủ, từ tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bộ máy, đến tài chính đã khuyến khích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị SNCL trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tăng thu, tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho CBVCNLĐ, tái đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động. Tuy nhiên, qua đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh mới đây cho thấy, các đơn vị SNCL đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương này.
VẪN CÒN KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Theo ý kiến của lãnh đạo nhiều đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh, hiện một số bộ, ngành chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý ngành dọc. Do đó, chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa việc tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế với tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Cụ thể, cho đến nay vẫn chưa ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT); dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; phát thanh và truyền hình; báo chí, gây khó khăn cho đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Oanh cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 19 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 10% đơn vị SNCL tự chủ tài chính. Theo đó, các đơn vị SNCL cần phải khai thác nguồn thu để tự đảm bảo chi phí hoạt động. Tuy nhiên, đối với các cơ sở GD&ĐT bị khống chế bởi mức trần học phí được quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ nên nguồn thu tại các cơ sở GD&ĐT không đảm bảo bù đắp chi phí để chuyển sang loại hình tự đảm bảo kinh phí hoạt động”.
PGS-TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang thì cho rằng, nguồn chi cho đầu tư cơ sở vật chất là rất lớn, máy móc thiết bị phục vụ cho thực hành rất đắt, phải thay đổi thường xuyên cho phù hợp với xu thế phát triển. Trong khi đó, số lượng sinh viên của trường những năm gần đây giảm đáng kể.
Nếu xây dựng mức thu học phí bảo đảm cân đối cho tự chủ chi thường xuyên thì tỷ lệ tuyển sinh của trường không đạt so với dự kiến, bởi phụ huynh so sánh mức thu học phí của nhà trường cao hơn các trường công lập khác.
Bên cạnh đó, tự chủ về tài chính nhưng chưa được tự chủ về nhân sự, nên việc tuyển dụng giáo viên đáp ứng đủ chuẩn cũng khó thực hiện. Cho nên, việc chuyển đổi sang đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động đối với nhà trường còn nhiều khó khăn, cần phải được tính toán hợp lý, có lộ trình”.
Theo phân tích của Sở Tài chính, hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 2636 dự toán chi thường xuyên của các đơn vị này được bố trí tối đa bằng với dự toán năm 2016. Do đó, đối với các đơn vị SNCL do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp rất khó khăn trong việc cân đối kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một bất cập khác nữa là, đến nay quy hoạch danh mục dịch vụ công của địa phương chưa ban hành; quy hoạch các mạng lưới dịch vụ công cũng chưa có; ở một số ngành, lĩnh vực, định mức kinh tế - kỹ thuật cũng chưa ban hành đầy đủ. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc thu giá dịch vụ cũng như khả năng cân đối thu, chi tài chính của các đơn vị SNCL.
Giám đốc Sở Tài chính Hồ Kinh Kha cho rằng, giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị SNCL là cần thiết, song phải có lộ trình, làm từng bước, hướng dẫn cụ thể quy trình, tránh việc thực hiện một thời gian khó khăn thì quay lại xin bao cấp. Hiện nay, nhiều đơn vị làm không được hoặc tự chủ nửa vời do vướng cơ chế, chính sách.
Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh tiến hành giám sát tại một số đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị SNCL. Qua đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy, kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL còn nhiều bất cập, hạn chế.
Tuy nhiên, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị SNCL được xác định là 1 trong 5 trọng điểm của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, tuy còn nhiều khó khăn, song quan điểm của tỉnh là tiếp tục rà soát, phân loại những đơn vị nào đủ điều kiện chuyển sang tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị tự chủ toàn phần để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tăng tính chủ động cho các đơn vị.
HOÀI THU