Thứ Sáu, 12/07/2019, 15:09 (GMT+7)
.
Phiên chất vấn và giải trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Tiền Giang khoá IX:

Tỷ lệ giải quyết án hành chính còn thấp

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc, ngày thứ 4 (12-7) tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX, các đại biểu tiếp tục chất vấn lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh nhiều vấn đề còn bất cập trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, nông nghiệp, nông thôn; tỷ lệ giải quyết án hành chính còn thấp… Đây là những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

* Tỷ lệ giải quyết án hành chính còn thấp

Tại phiên chất vấn và giải trình chất vấn của Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh, các đại biểu đặt vấn đề với Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh: Vì sao trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải quyết các loại án giảm, nhất là tỷ lệ giải quyết án hành chính chỉ đạt 20,96%, trong khi số vụ việc thụ lý giảm so với cùng kỳ. Đề nghị TAND tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp để tăng tỷ lệ giải quyết các loại án trong thời gian tới.

Giải trình vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, TAND hai cấp thụ lý 8.679 vụ việc các loại, đã giải quyết được 4.767 vụ việc, tỷ lệ giải quyết chung 54,93%; so với 6 tháng đầu năm 2018 thụ lý giảm 370 vụ việc các loại, giải quyết giảm 762 vụ việc các loại. Tỷ lệ giải quyết chung TAND hai cấp giảm 6,17 % so với 6 tháng đầu năm 2018; không có án quá hạn luật định, không xét xử oan sai, bỏ sót, lọt tội phạm.

Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long giải trình tại hội trường
Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long giải trình tại hội trường.

Việc tỷ lệ giải quyết án hành chính (tại thời điểm báo cáo) còn thấp do nhiều nguyên nhân như: Việc cung cấp ý kiến tài liệu, chứng cứ của người bị kiện còn chậm, có trường hợp hồ sơ bị thất lạc, nếu người bị kiện không có ý kiến hoặc chậm cung cấp các chứng cứ nêu trên thì Tòa án khó đảm bảo giải quyết vụ án khách quan, đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Người bị kiện có văn bản ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng nhưng cấp phó lại có văn bản xin được xét xử vắng mặt… làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Để khắc phục và nâng cao tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc trong thời gian tới, Tòa án nhân dân hai cấp đề ra các giải pháp tăng cường công tác xét xử nâng cao tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc như sau: Tiếp tục thực hiện việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giải quyết án hành chính, trong đó tập trung vào việc rà soát, lập danh sách các vụ án hành chính, xác định thứ tự ưu tiên để giải quyết; tăng cường Thẩm phán có năng lực để giải quyết án hành chính nhằm đạt tỷ lệ giải quyết (đến 30-11-2019) từ 80% trở lên và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các vụ án thụ lý đã lâu.

Đồng thời với đó là chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính và các loại vụ việc khác như: Việc để vụ án quá hạn do lỗi chủ quan, việc tuyên án không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án; vi phạm thời gian gửi văn bàn tố tụng cho Viện Kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự.

Cùng với đó là đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường tranh tụng tại phiên tòa… nhằm hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, đảm bảo thời hạn giải quyết các loại vụ việc, phục vụ tốt người dân khi có đơn khởi kiện các vụ án hành chính, đảm bảo đúng pháp luật.

* Lợi nhuận trồng sầu riêng cao gấp 17 lần trồng lúa

Về tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính tự phát trên đất lúa diễn ra nhiều, nhất là ở các huyện phía Tây, cũng đã được nhiều đại biểu đưa ra để thảo luận tại phiên chất vấn và giải trình chất vấn.

Đại biểu Đặng Văn Tung cho rằng: Hiện nay, nhiều nông dân ở các huyện phía Tây chuyển đất lúa sang trồng mít, sầu riêng mang tính tự phát.

Hơn 1 năm nay tốc độ chuyển đổi rất nhanh. Tuy bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do không phù hợp quy hoạch. Các yếu tố thích nghi về thổ nhưỡng, về hệ thống thủy lợi và nhất là không tiêu thụ được nông sản hàng hóa khi thị trường bấp bênh, rủi ro lớn.

Đồng thời, đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả và gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khu vực từ Quốc lộ 1A vào phía Nam đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sản xuất lúa kém hiệu quả, nhưng có hệ thống thủy lợi khá đảm bảo, nên có thể cho phép người dân chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác. Tỉnh phải có chủ trương, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.

Khu vực Bắc Quốc lộ 1 từ đường cao tốc đến giáp vùng Đồng Tháp Mười của Long An: Đối với khu có đê bao khép kín thì áp dụng Thông tư 19 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, có cho phép chuyển đổi cây ăn trái trên nền đất lúa và phải đảm bảo chuyển sang trồng lúa khi mất an ninh lương thực và có nhu cầu.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nhuyễn Văn Mẫn trả lời thắc mắc của đại biểu tại hội trường
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn phát biểu về vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính tự phát tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Tuyến cũng bày tỏ thêm về vấn đề này: Hiện nay, tại huyện Cai Lậy việc chuyển đổi đất lúa lên vườn “rất sôi động”, lãnh đạo huyện rất quan tâm và lo lắng về vấn đề này. Diện tích người dân đã lên vườn và chưa lên vườn thì xử lý như thế nào? Đa số cây trồng chuyển đổi của người dân đã cho trái.

Vừa qua, được biết Sở NN&PTNT có đề án quy hoạch chuyển đổi cây trồng, không biết đề án này khi nào xong? Vì thế, rất mong các cấp, các ngành, các nhà khoa học sớm khảo sát, đánh giá về tình hình thổ nhưỡng của từng vùng đất phù hợp với loại cây nào để người dân biết.

Qua ý kiến thảo luận của đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm: Qua rà soát giai đoạn 2016 - 2018, toàn vùng chuyển đổi 5.832 ha, trong đó chuyển sang trồng cây ăn trái các loại 4.854 ha và nuôi thủy sản 978 ha (chủ yếu ương cá giống).

Ngoài ra, các địa phương còn chuyển đổi sang cây hằng năm khoảng 9.235 ha trồng các loại rau, đậu, tăng thêm thu nhập và cải tạo đất. Cụ thể, vùng giữa Quốc lộ 1 và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuyển đổi 1.679 ha, phía Bắc đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 4.153 ha. Trong đó, cây trồng chuyển đổi theo quy hoạch, kế hoạch là 1.854 ha, không theo quy hoạch (tại vùng chuyên canh lúa) 2.299 ha.

Nguyên nhân của việc chuyển đổi cây trồng trên là hiệu quả sản xuất mang lại từ cây trồng chuyển đổi và ương cá giống cao gấp nhiều lần so với trồng lúa: Năm 2018, lợi nhuận trên cây lúa là 55,2 triệu đồng/ha/năm, sầu riêng là 936 triệu đồng/ha/năm (gấp 17 lần trồng lúa), xoài 687 triệu đồng/ha/năm (gấp 12,4 lần trồng lúa), mít 604 triệu đồng/ha/năm (gấp 10,9 lần trồng lúa).

Mặt khác, việc xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận như con đê chắn ngang hình thành vùng kẹp giữa Quốc lộ 1 và đường cao tốc đã tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đã chỉ ra một số nguy cơ tiềm ẩn đối với việc “ồ ạt” lên vườn trồng cây ăn trái; đồng thời, đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

 

 

 

.
.
.