Thứ Năm, 19/09/2019, 10:41 (GMT+7)
.

Cụ Bùi Bằng Đoàn: Tấm gương tận tụy, vì nước vì dân

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày19-9-1889, trong một gia đình nhà Nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội), là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực và yêu thương dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cụ đã nhận lời mời của Hồ Chủ tịch ra nhậm chức Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Trong Cuộc Tổng Tuyển cử ngày 6-1-1946, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa I của tỉnh Hà Đông (cũ), rồi được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, cụ được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn (đứng bên phải Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng các vị trong Ban Thường trực Quốc hội và một số Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Hội đồng Chính phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn (đứng bên phải Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng các vị trong Ban Thường trực Quốc hội và một số Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Hội đồng Chính phủ.

VỊ QUAN THANH LIÊM, CHÍNH TRỰC, THƯƠNG DÂN DƯỚI TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm quan ở triều đại phong kiến, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, thương dân. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định), cụ đã đề xuất và tổ chức thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn - một công trình trị thủy lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng về dân sinh và kinh tế nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Nhờ con đê Bạch Long mà cả một vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu được tạo lập, những nông dân trồng lúa, trồng dâu ở địa phương dần dần có cuộc sống ổn định. Ghi nhớ công đức của cụ, nhân dân địa phương đã làm lễ tế sống vị phụ mẫu chi dân trẻ tuổi này ngay nơi nhậm chức.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của cụ đối với đất nước. Từ Thượng thư bộ Hình Nam triều nổi tiếng thanh liêm, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia chính quyền cách mạng một cách tự nguyện và một lòng đi theo chính quyền cách mạng. Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương sáng để chúng ta kính trọng và noi theo.

Khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng, nhờ tinh thông Pháp văn, cụ Bùi Bằng Đoàn được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, cụ Bùi Bằng Đoàn đã phiên dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu, để rồi sau đó tòa án không khép được cụ Phan Bội Châu án chung thân, mà giảm xuống hình thức “an trí ở Huế”.

Năm 1925, trước việc báo chí phản ánh cảnh phu điền ở Nam kỳ bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam triều đã cử cụ vào thanh tra các đồn điền cao su của Pháp tại Nam kỳ. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tiến hành điều tra trực tiếp, thấu đáo tại 45 đơn vị đồn điền cao su thuộc các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn và Gia Định. Kết thúc cuộc điều tra, cụ đã viết báo cáo, kiến nghị dày 100 trang bằng tiếng Pháp nêu trung thực, khách quan, công minh và đầy đủ những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Nhờ đó đã được nhà đương cục lúc bấy giờ chấp nhận giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.

Khi làm Án sát tỉnh Bắc Ninh, cụ được mời tham dự phiên tòa Đề hình xét xử đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Khâm phục tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nên khi nghị án, thực dân Pháp đã định án tử, nhưng cụ đã tìm mọi cách để giảm tội tử hình xuống khổ sai đày đi Côn Đảo.

Năm 1933, cụ Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm làm Tuần phủ Ninh Bình, sau đó được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ Hình. Trên cương vị Thượng thư bộ Hình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp cổ xưa trên 17 tỉnh, đạo thuộc Trung kỳ… Trong thời gian làm quan đại thần trong Triều Nguyễn ở Huế, cụ nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, thương dân. Cụ được nhà vua sủng ái, các quan trong triều kính trọng, nhân viên và các quan chức dưới quyền ngưỡng mộ, được nhân dân kính trọng, tin cậy.

THAM GIA BAN CỐ VẤN RIÊNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay đánh máy bức thư trân trọng mời cụ tham gia việc nước. Từ một vị quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến, nhận thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, khâm phục, kính trọng tài đức, lý tưởng lớn lao, trong sáng và tinh thần, nghị lực đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào vận mệnh nước nhà, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời tham gia Ủy ban kiến thiết quốc gia; tham gia Ban Cố vấn riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rồi trở thành Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội…

Ngày 6-1-1946, Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Hồ Chủ tịch giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khóa I và đã trúng cử đại biểu của tỉnh Hà Đông (cũ) với số phiếu bầu rất cao. Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I (tháng 11-1946), cụ được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Tuy thời gian giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội không dài, nhưng ở vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân, cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến.

Trên cương vị đứng đầu Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Vào thời điểm đó, cụ và Ban Thường trực Quốc hội đã nhận thức rõ nhiệm vụ của Quốc hội là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến.

Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến.

Từ tháng 8-1948, do lâm bệnh nặng nên cụ Bùi Bằng Đoàn không còn trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội. Tuy nghỉ dưỡng bệnh, nhưng cụ vẫn theo dõi tình hình trong nước, quốc tế và thường xuyên gửi thư thăm hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội và đóng góp nhiều ý kiến lợi ích cho nhân dân. Đặc biệt, nhân dịp khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa I vào tháng 3-1955 - kỳ họp đầu tiên trong thời gian hòa bình lập lại ở miền Bắc, cụ đã gửi thư đến Quốc hội và toàn thể quốc dân đồng bào, qua đó thể hiện tư tưởng xuyên suốt là cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước.

Do tuổi cao, sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng, mặc dù đã được tận tình cứu chữa, nhưng cụ đã từ trần vào ngày 13-4-1955 tại Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi. Do những công lao, cống hiến to lớn đối với dân tộc, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.