Thứ Hai, 02/09/2019, 15:15 (GMT+7)
.

Giá trị thời đại của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị thời đại sâu sắc...

MỘT TRONG CHÍN BẢN TUYÊN NGÔN NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI

Tuyên ngôn Độc lập của Người còn được đánh giá là một trong chín bản tuyên ngôn nổi tiếng nhất thế giới, vượt qua những hạn chế mang bản chất của một nhà nước bóc lột trong các tuyên ngôn cách mạng của nước Mỹ (năm 1776) và nước Pháp (năm 1789).

Trong văn kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo kết hợp các quyền cơ bản của con người với quyền dân tộc thiêng liêng như là một “luận chứng khoa học” để khẳng định một giá trị đặc trưng, cốt lõi của dân tộc Việt Nam về khát vọng “độc lập, tự do” thể hiện rõ qua các điểm nổi bật sau:

Một là, Người đã tiếp thu và phát triển tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ về quyền con người. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Đây không chỉ đơn thuần là sự thay đổi câu chữ, mà đó chính là sứ mệnh giải phóng dân tộc Việt Nam của Người đã hoàn thành sau bao năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Qua đây cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người.


Hai là, Những đặc quyền bất khả xâm phạm của con người trên thế giới được đề cập trong các bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn làm cơ sở lập luận để khẳng định quyền được hưởng “tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập” của dân tộc Việt Nam là điều tất yếu, phù hợp với lẽ tự nhiên.

Cách lập luận vừa khéo léo vừa cương quyết thể hiện sự tôn trọng của Người đối với 2 bản tuyên ngôn độc lập ấy. Đây thực sự là “một nước cờ cao tay”, một nghệ thuật trong việc giải quyết các quan hệ quốc tế.

Để kiên định các mục tiêu chiến lược của mình, không nhất thiết phải dùng biện pháp cứng rắn và nhất là chỉ bám lấy mỗi một cách tiếp cận vấn đề.

Ngay cả những kẻ xâm lược tàn bạo và thâm độc nhất nhiều khi cũng phải điều chỉnh lại mình khi những giá trị cốt lõi của dân tộc họ được chính đối phương tôn trọng. Chính Đại tá Paty - đại diện của Mỹ tham gia phái đoàn giải giáp quân phát xít Nhật tại Việt Nam, khi nghe dịch bản thảo Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến “đã không còn tin vào tai mình nữa” khi biết văn kiện quan trọng này lại bắt đầu bằng việc trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn của nước Mỹ.

Còn lịch sử cũng ghi nhận rằng, gần như ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi, chính giới Pháp cũng bắt đầu phân hóa thành hai phe đối lập trong quan điểm về cuộc chiến tranh Việt Nam(1).

Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.
Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

VẪN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI SÂU SẮC

Bài học mẫu mực về việc giải quyết vấn đề về quyền tự do, độc lập của dân tộc bằng cách dựa vào các văn kiện đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thời đại sâu sắc, nhất là trong giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Trong chiến lược bảo đảm an ninh biển, đảo được xác định tại Nghị quyết 09 ngày 9-2-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đó là: “... Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc gắn với thế trận an ninh nhân dân... Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, phát triển kinh tế kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc...”, Đảng ta xác định bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Chính vì vậy, Đảng ta luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo với tinh thần hòa bình, kiên quyết và kiên trì đấu tranh không khoan nhượng bằng mọi biện pháp trước hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp, phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC)(2).

TS. HÀ THỊ THOA

(1) Phùng Văn Thiết, “Tuyên ngôn Độc lập - ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”, Tạp chí Lý luận chính trị.
(2) Nguyễn Đồng Thụy, “Một số vấn đề về đấu tranh quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

.
.
.