.
Từ học theo Bác đến những việc làm tử tế:

Bài 3: Sống cho dân thương

Cập nhật: 10:41, 23/10/2019 (GMT+7)

Bài 1: Mệnh lệnh nơi trái tim…

Bài 2: Chắp cánh cho những ước mơ

Điều chúng tôi ngạc nhiên khi đến nhà vị tướng lĩnh Công an là gian nhà nơi ông làm việc, sinh hoạt hằng ngày ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo với nhiều vật dụng cần thiết như ti vi, tủ lạnh, máy nước nóng -
lạnh… nhưng chỉ có 1 tấm vách, không có cửa. Gian nhà chính của ông có cửa nhưng cũng không cần phải đóng, nhiều khi vợ chồng ông đi đám tiệc đến khuya mới về mà cửa cứ để trống.

Thế nhưng, suốt 10 năm qua, căn nhà nơi ông sống từ khi về hưu đến nay không hề mất trộm bất cứ thứ gì. Hiểu được sự ngạc nhiên trong ánh mắt của chúng tôi, ông cười hiền bảo, học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sống cho dân thương thì dân sẽ giúp mình, đùm bọc mình, chứ đâu có hại mình.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành trao thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh  khó khăn của Trường Tiểu học Thanh Bình.                                                Ảnh: HỒNG PHƯỢNG
Trung tướng Nguyễn Việt Thành trao thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Thanh Bình. Ảnh: HỒNG PHƯỢNG

NGHĨA TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG

Trên đường đến nhà Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, mà nhân dân hay gọi trìu mến bằng cái tên “chú Tư Bốn”, chúng tôi dừng lại trước Trường Tiểu học Thanh Bình.

Ngôi trường mới được xây dựng trong những năm gần đây nên vẫn còn tươi màu sơn mới. Hỏi một vài phụ huynh đang đứng đợi rước con bên ngoài cổng trường có biết ngôi trường này xây dựng từ nguồn kinh phí nào không?

Một phụ huynh đứng gần đó chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng biết ơn chú Tư Bốn, vì chú đã vận động các nhà hảo tâm 20 tỷ đồng để xây dựng, từ đó con em chúng tôi mới được học trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp như thế này”.

Một người đứng gần đó xen vào, nói theo cái kiểu “nhà quê” nhưng rất chân tình: “Chú Tư Bốn sống tử tế lắm! Chú còn vận động xin kinh phí để làm đường, lắp bóng đèn thắp sáng trên tất cả các tuyến đường trong xã cho người dân đi lại an toàn vào ban đêm…”.

Người dân quê hay dùng từ “tử tế” để chỉ những người làm việc tốt, giúp ích cho người khác. Người ta gọi ông tử tế cũng phải, bởi Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) đã lên xã nông thôn mới 5 năm, nhiều công trình đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới rất khang trang, như trường học, trạm y tế, đường giao thông, nghĩa trang… tạo những nét chấm phá cho bức tranh nông thôn thêm nhiều điểm sáng nổi bật. Hầu hết các công trình ấy đều có công đóng góp của “chú Tư Bốn”.

Trước kia, hầu hết trường học ở xã Thanh Bình đều xuống cấp. Làm sao để các cháu học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, thoáng mát? Câu hỏi ấy luôn khiến vị Trung tướng lừng danh cả nước đã từng triệt phá nhiều vụ trọng án, mà đỉnh điểm là tổ chức xã hội đen do Trương Văn Cam cầm đầu, luôn canh cánh bên lòng.  

Về hưu, lẽ ra là khép lại một chặng đường gần cả cuộc đời “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Nhưng không, bước ngoặt ấy với “chú Tư Bốn” chỉ là mở ra một chặng đường mới - chặng đường theo cái cách của một người đã nghỉ hưu: “Còn sức đến đâu cống hiến đến đó” nhằm thực hiện đến cùng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”.

Thế nên, dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm đi nhiều do 7 lần bị thương khi còn là Đại đội trưởng Đại đội An ninh bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng ông vẫn kiên trì đi gõ cửa các nhà hảo tâm để tìm sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ.

Từ đó trường mầm non cơ sở 1, rồi trường trung học cơ sở, trường tiểu học của xã Thanh Bình lần lượt được xây dựng lại bằng nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng do ông vận động được. Đó cũng là tâm niệm mà ông quyết tâm thực hiện, bởi hồi ức về tuổi thơ 7 lần chuyển trường nhưng vẫn không được học do gia đình ông theo cách mạng, bị bọn tề ấp theo dõi gắt gao, không cho học luôn ám ảnh, thôi thúc ông dành sự quan tâm đặc biệt cho việc học tập của thế hệ tương lai hôm nay.

Ở xã Thanh Bình nói riêng và huyện Chợ Gạo nói chung, hễ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ bỏ học là mọi người hay tìm đến “chú Tư Bốn” để nhờ ông giúp đỡ trao học bổng, tặng sách vở, dụng cụ học tập…

Rồi đến việc học sinh không có điều kiện mua thẻ bảo hiểm y tế, người ta cũng tìm đến ông. Trạm Y tế xã Thanh Bình cũng do ông vận động kinh phí để xây dựng khang trang như hiện nay.

Rồi mổ mắt cho người già, mổ tim cho trẻ em, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi, gia đình chính sách, hộ nghèo…, ở đâu có khó khăn là “chú Tư Bốn” tới, không ngại tuổi cao sức yếu, sẵn sàng dang tay nâng đỡ để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

Trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho Trung tướng  Nguyễn Việt Thành.                                          Ảnh: HỒNG PHƯỢNG
Trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho Trung tướng Nguyễn Việt Thành. Ảnh: HỒNG PHƯỢNG

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng “chú Tư Bốn” vẫn còn minh mẫn, nhớ nằm lòng từng sự kiện xảy ra trong suốt chặng đường mấy mươi năm công tác, chiến đấu, nhưng ông không thể nhớ hết đã hỗ trợ bao nhiêu công trình đường giao thông, xây bao nhiêu căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp đỡ bao nhiêu trường hợp mổ mắt, mổ tim, trao bao nhiêu phần quà, học bổng… cho các địa phương và các đối tượng yếu thế trong cuộc sống.

Chỉ có cái nào gần đây, như trường hợp ông vừa vận động các nhà hảo tâm xây tặng các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở của xã Thanh Bình, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng thì ông còn nhớ. Chuyện nhớ - quên việc mình hỗ trợ, giúp đỡ cho địa phương, cho xã hội với “chú Tư Bốn” cũng không còn quan trọng nữa, bởi với ông, cái cho đi sẽ còn lại mãi trên đời…

NGHĨA TÌNH VỚI ĐỒNG ĐỘI

Câu chuyện giữa chúng tôi và “chú Tư Bốn” bỗng chùng xuống khi chúng tôi hỏi về việc ông luôn tâm huyết và dành rất nhiều thời gian, công sức để đi tìm mộ đồng đội, rồi quy tập hài cốt của họ về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Bình.

Mở đầu dòng hồi ức về một quá khứ đầy bi tráng là câu chuyện hiện tại, đó là nhiều năm qua vợ của ông không thể ngủ chung với ông được, bởi ông thường nằm mơ thấy máy bay thả bom, xe tăng của địch càn quét, anh em hy sinh…, khiến ông đạp chân, khua tay rồi bật dậy đánh trả.

Làm sao không ám ảnh, khi Đại đội An ninh bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho do ông phụ trách ban đầu có 118 anh em và được bổ sung quân số liên tục, nhưng đến khi hòa bình chỉ còn lại 16 người, số lượng hy sinh lên đến trên 210 người và nhiều người bị thương nặng phải ra quân. Chỉ dẫn ra con số ấy thôi cũng đủ thấy chiến tranh ác liệt và ám ảnh đến mức nào.

Những ngày còn làm Đại đội trưởng, ông không bao giờ nghĩ mình sẽ còn sống để trở về với gia đình. Chính vì vậy, ngay sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, điều đầu tiên ông làm là đi tìm hài cốt của đồng đội hy sinh ở các nơi quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Từ tháng 6-1975 đến cuối năm 1978 ông đã hoàn thành, đưa tất cả anh em của Đại đội hy sinh ở các nơi về nghĩa trang, lập hồ sơ đầy đủ để gia đình được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sau này, khi nhiệm vụ ngày càng nặng nề nên công việc đền ơn đáp nghĩa phải tạm gác lại, đến khi về nghỉ hưu thì ông tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình với anh em, với đồng đội - những người đã sát cánh cùng ông trong những ngày khó khăn, gian khổ nhất.

Trong những năm đầu khi mới nghỉ hưu, ông tập trung chỉnh trang, nâng cấp lại Nghĩa trang Liệt sĩ của xã, rồi xây dựng nhà quản trang với kinh phí 2,8 tỷ đồng. Lo chỗ yên nghỉ cho anh em liệt sĩ xong, ông lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm mộ của những người con quê hương xã Thanh Bình hy sinh trên khắp các chiến trường, quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ của xã.

Giọng ông bỗng trầm xuống, ánh mắt nhìn xa xăm bởi còn một số anh em liệt sĩ quê Thanh Bình hy sinh ở các chiến trường Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng chưa thể quy tập hài cốt về được, do không có địa chỉ.

Mỗi năm ông tổ chức giỗ liệt sĩ 2 lần, đó là vào dịp 27-7 và ngày 27 tháng Chạp, mà theo ông lý giải là để anh em liệt sĩ về ăn tết với mình. Hiện nay, việc xây dựng nhà tình nghĩa ở xã Thanh Bình cũng được ông phối hợp với các ngành chức năng xã, huyện lo hoàn tất, những gia đình nào có điều kiện không nhận nhà tình nghĩa thì ông vận động kinh phí hỗ trợ cho gia đình chiếc tủ thờ trị giá 10 triệu đồng để thờ liệt sĩ. Xã Thanh Bình có 343 liệt sĩ, 78 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ông ghi chép cẩn thận ngày giỗ các liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, kể cả thương binh đã mất trong xã và đã đến dự đầy đủ, chưa bỏ sót bất kỳ gia đình nào. Và điều đó đã trở thành thông lệ, bây giờ đám giỗ liệt sĩ trong xã, gia đình chờ ông đến mới thắp hương.

Điều ông cảm thấy ấm lòng nhất trong khoảng đời còn lại của mình là hiện nay tất cả gia đình chính sách của xã đã có cuộc sống ổn định, không còn gia đình nào khó khăn. Ông ấm lòng là vì đã hoàn thành tâm nguyện mà cả cuộc đời ông luôn trăn trở, đó là phải “đền ơn đáp nghĩa” đối với những người đã cùng ông kề vai sát cánh trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất.

Và cao hơn nữa, đó là ông đã thực hiện được lời căn dặn của Bác trong Di chúc: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn”.

Câu chuyện về “chú Tư Bốn” không thể kể hết trong một bài viết ngắn gọn, chỉ xin ghi lại một vài “lát cắt” để trả lời cho câu hỏi vì sao người dân xã Thanh Bình gọi ông là người sống “tử tế”. Và chúng tôi hiểu, để “sống cho dân thương” theo tấm gương của Bác, thì “chú Tư Bốn” không chỉ hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà còn luôn gương mẫu trong công việc và trong cuộc sống hằng ngày…

NGUYÊN CHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.