Thứ Bảy, 19/10/2019, 14:44 (GMT+7)
.

Học theo Bác với những việc làm tử tế

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 06 ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; rồi đến Chỉ thị 03 ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì phong trào học tập và làm theo Bác ở Tiền Giang ngày càng lan tỏa sâu rộng, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tận tụy phục vụ nhân dân, hy sinh quên mình để giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Sự tận tụy, hy sinh quên mình gắn với những việc làm thiện nguyện, đầy nghĩa tình ấy được nhân dân tin yêu, cảm phục, gọi là việc làm “tử tế”…

Phan Văn Hảo trao quà cho các gia đình khó khăn.
Phan Văn Hảo trao quà cho các gia đình khó khăn.

Bài 1: Mệnh lệnh nơi trái tim…

Thấy Phan Văn Hảo, cán bộ Đài Truyền thanh, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên kết nối yêu thương xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè suốt ngày tất bật với việc đi xác minh hồ sơ, rồi đi vận động xin kinh phí từ các nhà hảo tâm để trao học bổng, tổ chức các chương trình trung thu, phát quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, phát cơm từ thiện…, trong khi gia đình Hảo vẫn còn nhiều khó khăn, một số người thắc mắc: Vì sao Hảo cứ “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” như thế? Và câu trả lời của Hảo là…

1. Hảo thi tuyển sinh lớp 10, đậu vào lớp chọn của Trường THPT Phạm Thành Trung, nhưng phải ngậm ngùi chia tay thầy cô, bạn bè, bởi gia đình không may rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Lúc ấy, chị của Hảo đang là sinh viên chuyên ngành Luật của Trường Đại học Cần Thơ, còn cha thì bị tai nạn… Tiền viện phí, thuốc men cho cha, tiền học phí và chi phí học tập của chị…, tất cả đều dồn lên đôi vai của mẹ.

Nhìn mẹ tảo tần, ngày một hốc hác, xanh xao, Hảo không đành lòng. Hảo nhớ hoài cái cảm giác những ngày đầu xa trường lớp, bạn bè, đầu óc trống rỗng, đi ra đi vào cứ thẫn thờ như người mất hồn. Rồi Hảo tự động viên mình để vực dậy tinh thần: Chuyện học đi bằng đường thẳng không được thì đi đường vòng...

Năm Hảo 18 tuổi, khi ba bình phục hẳn, chị cũng đã tốt nghiệp đại học, cuộc sống gia đình đã dần ổn định, Hảo quyết định thực hiện ước mơ đến trường, hằng ngày vượt đoạn đường gần 30 km từ Mỹ Tân xuống thị trấn Cái Bè để đi học. Ròng rã suốt mấy năm Hảo cũng lấy được tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, sau đó học tiếp trung cấp Luật…

Đã từng rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, phải dừng việc học giữa chừng, hơn ai hết Hảo thấu hiểu và có sự đồng cảm sâu sắc với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Năm 2016, chứng kiến một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương có nguy cơ bỏ học, Hảo nghe tim mình đau nhói, thôi thúc anh phải “làm cái gì đó” cho các em.

Thế là Hảo kết nối với bạn bè, vận động kinh phí để trao 30 suất học bổng cho học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ngô Văn Nhạc. Từ đó đến nay hoạt động này vẫn được duy trì vào mỗi dịp đầu năm học mới.  

2. Mà đâu phải chỉ có sự đồng cảm, còn có một nguyên nhân khác sâu xa hơn, luôn thôi thúc Hảo phải thực hiện. Đó là mệnh lệnh nơi trái tim xuất phát từ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Hảo luôn khắc ghi trong lòng từ khi được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Thế nên, trong những năm qua, Hảo miệt mài cống hiến cho cộng đồng. Với khuôn mặt phúc hậu và nụ cười ấm áp, Hảo nhớ lại lần đầu đến với công tác từ thiện.

Đó là năm 2016, khi Tết Nguyên đán đã chạm ngoài ngõ rồi mà với một số gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Mỹ Tân thì tết dường như còn ở đâu đó rất xa, nhà “trống trơn”. Làm sao để các hộ nghèo ở quê mình có tết? Câu hỏi ấy khiến Hảo không nguôi trăn trở.

Hảo nghĩ mình phải làm một cái gì đó chứ không thể cứ đứng nhìn trong xót xa. Thế là Hảo đi tìm các nhà hảo tâm trong tỉnh, rồi lên TP. Hồ Chí Minh, mà theo như Hảo kể là “phải đi nhiều lần, vận động nhiều người”.

Sau nhiều ngày vất vả đi vận động xin kinh phí, Hảo đã đủ tiền mua các nhu yếu phẩm, bánh, mứt cho 130 phần quà. Hảo phối hợp với các ban, ngành của xã Mỹ Tân để lập danh sách, rồi thành lập đoàn đi đến từng nhà để tận tay trao các phần quà cho bà con nghèo, ghi hình ảnh gửi cho các nhà tài trợ để tạo niềm tin. Nhiều người nhận quà xúc động đến rưng rưng, khiến bao vất vả của Hảo như tan biến.

Lần đầu thực hiện, các nhà tài trợ còn e ngại nên phải kiên trì đi và thuyết phục, rốt cuộc rồi cũng thành công, cực nhưng vui và hạnh phúc, vì đã góp phần thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Phan Văn Hảo nhận Bằng khen của Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Phan Văn Hảo nhận Bằng khen của Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Rồi một lần nuôi người thân trong bệnh viện, Hảo mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả của những gia đình nghèo có người thân đau ốm. Đó là vào thời điểm tháng 4-2017. Hảo lại trăn trở, lên ý tưởng nấu cơm phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Hảo lại mang ý tưởng của mình đi thuyết phục bạn bè, các nhà hảo tâm gần xa. Biết Hảo có tâm thiện nguyện trong sáng, khách quan nên nhiều người đã ủng hộ.

Thế là Hảo gặp và trao đổi với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, quản lý bếp cơm từ thiện của bệnh viện để bàn kế hoạch tổ chức nấu cơm phát cho bệnh nhân nghèo. Được các cô chú, anh chị ở bếp cơm từ thiện của bệnh viện hướng dẫn, Hảo tự đi mua từng bó rau, chai dầu ăn… để nấu. Rằm tháng 6-2017 (ÂL), 350 phần cơm với kinh phí 7 triệu đồng được trao đến tận tay những bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị ở bệnh viện.

Đến nay, chương trình phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo đã được Hảo mở rộng ra ở 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa Cái Bè và Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang, cố định vào ngày 14 và 15 (ÂL) hằng tháng.

Để hoạt động từ thiện đi vào nền nếp, Hảo nghĩ cần phải thành lập tổ chức để có đầy đủ tư cách pháp nhân. Vậy là Chi hội Thanh niên kết nối yêu thương xã Mỹ Tân ra đời, trực thuộc Huyện đoàn Cái Bè, do Hảo làm Chi hội trưởng.

Trong hơn 3 năm qua, đã có hàng ngàn suất cơm, hàng trăm suất quà, hàng ngàn cái bánh trung thu, hàng chục suất học bổng đã đến với người già neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, những học sinh con em hộ nghèo, với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Trong đó, có nhiều lần không vận động đủ để thực hiện chương trình, Hảo phải vận động thêm từ người thân trong gia đình và trích tiền lương để bù vào cho đủ. Thế nên không có gì lạ khi người dân ở xã Mỹ Tân gọi Hảo là người tử tế, vì đã làm nhiều việc tử tế cho mọi người.

Với những việc làm đầy nghĩa tình ấy, năm 2018 Hảo được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy vì đã có thành tích tiêu biểu qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. 

3. Với nhiều người, tuổi 18 là tuổi mới vừa chập chững bước vào đời với mỗi việc lo toan chuyện chọn trường, chọn ngành để học… Nhưng với Hảo, 18 tuổi anh đã đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn ấp 2, xã Mỹ Tân. Có lẽ cuộc sống đã trải qua nhiều vất vả, từ lúc 15 tuổi Hảo phải lo toan phụ giúp gia đình, nên anh sớm trưởng thành.

Chính sự trưởng thành và nỗ lực trong công tác nên Hảo đã đưa Chi đoàn ấp 2 đạt nhiều thách tích nổi bật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Giấy khen của Huyện đoàn và Tỉnh đoàn. Với thành tích ấy, năm 20 tuổi Hảo đã đứng chân vào hàng ngũ của Đảng.

20 tuổi, khi đứng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và di ảnh Bác, Hảo đã tâm niệm: Vào Đảng để được cống hiến nhiều hơn. Và từ đó đến nay, Hảo đã trải qua nhiều vị trí công tác, ở vị trí nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, ngoài làm cán bộ Đài Truyền thanh của xã, Hảo còn là Bí thư Chi đoàn Quân sự, Trung đội trưởng Trung đội Dân quân cơ động. Trung đội Dân quân cơ động của xã Mỹ Tân có 31 thành viên, thường xuyên phối hợp với Công an xã đi tuần tra vào buổi tối, giải tán các đám đông tụ tập nhậu nhẹt, gây rối trật tự, góp phần đảm bảo sự bình yên cho nhân dân.

Nhờ vậy, trong những năm qua, địa bàn xã Mỹ Tân không xảy ra trọng án, trộm cắp giảm đáng kể. Nhiều đêm Hảo đi tuần tra từ 20 giờ đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau mới về. Dù mệt nhưng giúp cho nhân dân trong xóm, ấp an tâm, có giấc ngủ bình yên là Hảo cảm thấy vui rồi.

Có thể nói, niềm vui và hạnh phúc của đảng viên trẻ Phan Văn Hảo luôn gắn với niềm vui và hạnh phúc của nhân dân, của cộng đồng. Và tất cả những việc làm của Hảo không chỉ là sự đồng cảm, sẻ chia, mà còn là mệnh lệnh nơi trái tim xuất phát từ lời căn dặn của Bác: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm.

Đó là câu trả lời của Hảo cho câu hỏi “vì sao cứ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng như thế?” của một số người.

NGUYÊN CHƯƠNG
(Còn tiếp)

.
.
.