.

Việt Nam sát cánh cùng các nước thành viên Phong trào Không liên kết

Cập nhật: 16:41, 27/10/2019 (GMT+7)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh Việt Nam sẽ luôn kiên trì với các nguyên tắc và mục tiêu của Phong trào Không liên kết, sẵn sàng hợp tác và sát cánh cùng các nước thành viên.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Baku, ngày 25-10, Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 đã khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan.

Với chủ đề “Nêu cao các nguyên tắc Bangdung nhằm ứng phó đầy đủ và phối hợp xử lý các thách thức của thế giới đương đại,” Hội nghị Cấp cao Baku có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao và đại diện 120 quốc gia thành viên Không liên kết, đại diện các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ rõ những thách thức to lớn mà Phong trào Không liên kết phải đối mặt, đặc biệt là cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ nghĩa đơn phương, chính trị cường quyền, cũng như những khó khăn nội tại như hạn chế chung về nguồn lực, sự gia tăng khác biệt về lợi ích giữa một số nước thành viên và sự can thiệp từ bên ngoài.

Trước những thách thức đó, Phó Chủ tịch nước kêu gọi tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các nước Không liên kết, với nền tảng là các nguyên tắc Bangdung, để Phong trào có thể tiếp tục là ngọn cờ đầu thúc đẩy thượng tôn pháp luật, dân chủ hóa quan hệ quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước Không liên kết.

Khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp xây dựng Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và phấn đấu vì các mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, Phó Chủ tịch nước cho rằng những nỗ lực này của ASEAN đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đề nghị Phong trào Không liên kết cần dành sự quan tâm thích đáng và ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình, an ninh và ổn định tại Đông Nam Á, tôn trọng quan điểm, lập trường của các nước thành viên liên quan.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam sẽ luôn kiên trì với các nguyên tắc và mục tiêu của Phong trào Không liên kết, sẵn sàng hợp tác và sát cánh cùng các nước thành viên đóng góp để Phong trào thực sự đoàn kết, ứng phó toàn diện, kịp thời và hiệu quả trước các thách thức, phát huy tiếng nói của các nước Không liên kết.

Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ nêu cao trách nhiệm, đóng góp cho nền hòa bình thế giới và sự phát triển bền vững, hạnh phúc và thịnh vượng cùng nhân loại toàn cầu.

Phong trào Không liên kết được thành lập vào năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, và trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc.

Không liên kết là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân. Việt Nam chính thức tham gia Phong trào Không liên kết năm 1976.

Cùng ngày, bên lề Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã hội kiến Phó Tổng thống Ấn Độ Muppavarapu Naidu.

Vui mừng gặp lại Phó Tổng thống Naidu chỉ vài tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Bạn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ rất hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đặc biệt từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 9/2016.

Để đưa quan hệ Việt Nam-Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Hoan nghênh hãng hàng không Indi Go của Ấn Độ đã mở đường bay thẳng đầu tiên giữa hai nước, với chặng bay Kolkata-Hà Nội từ ngày 3/10 vừa qua, Phó Chủ tịch nước đề nghị Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy các hãng hàng không tăng cường kết nối và sớm khai thác các đường bay thẳng khác giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hãng hàng không của Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước cũng hoan nghênh đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp chất lượng cao và dầu khí.

Đồng thời, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn đa phương cùng là thành viên, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-Ấn Độ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hội kiến Phó Tổng thống Ấn Độ Muppavarapu Naidu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hội kiến Phó Tổng thống Ấn Độ Muppavarapu Naidu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong chuyến thăm Việt Nam dự đại lễ Vesak tháng 5/2019, Phó Tổng thống Ấn Độ Naidu bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, nhất là trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Tổng thống Naidu khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Về vấn đề Biển Đông, Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-sat-canh-cung-cac-nuoc-thanh-vien-phong-trao-khong-lien-ket/603798.vnp)

.
.
.