.
Từ học theo Bác đến những việc làm tử tế:

Bài cuối: Người truyền cảm hứng

Cập nhật: 18:20, 25/10/2019 (GMT+7)

Bài 1: Mệnh lệnh nơi trái tim…

Bài 2: Chắp cánh cho những ước mơ

Bài 3: Sống cho dân thương

Nếu là con chim, là chiếc lá/ Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình (Một khúc ca xuân của Tố Hữu). Đọc đoạn thơ trên của nhà thơ Tố Hữu khiến chúng tôi nhớ về anh - Liệt sĩ Võ Văn Đấu, điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.

Tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của anh đã lan tỏa và truyền cảm hứng cho đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà học tập, noi theo.

Lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sĩ Võ Văn Đấu.     Ảnh: THANH HOÀNG.
Lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sĩ Võ Văn Đấu. Ảnh: THANH HOÀNG.

ANH KHÔNG VỀ NỮA…

Vợ của anh là chị Nguyễn Thị Ngọc Bảo, hiện là nhân viên hộ lý của Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, đã cố nén cảm xúc nhưng không thể ngăn những giọt nước mắt trực trào, lăn dài trên má. Bảo cho biết, chồng chị - anh Võ Văn Đấu sống tử tế, không bao giờ ngại khó ngại khổ và hay giúp đỡ mọi người. Dòng hồi ức tươi đẹp về người chồng quá cố cứ thế mải miết ùa về trong ký ức người vợ trẻ vừa bước sang tuổi 30…

Bảo kể, dù vợ chồng mới ra riêng, đồng lương ít ỏi, lại có con nhỏ, nhưng anh vẫn hay chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Như lần Đấu phát hiện một người thanh niên sống lang thang, cơ nhỡ ở khu chợ gần nhà, hằng ngày đi làm, Đấu đều mua một phần ăn sáng cho anh ấy, rồi chiều đi làm về tiếp tục mua thức ăn cho anh. Cứ đều đặn như thế, trong nhiều tháng, đến khi người thanh niên đi khỏi địa phương mới thôi. Đấu còn tự liên hệ với các ngành chức năng làm thủ tục để anh ấy được nhận tiền hỗ trợ hằng tháng theo chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Bảo vẫn không thể quên cái ngày 12-7-2015… Hôm đó, khoảng 19 giờ, vợ chồng Bảo vừa ăn cơm xong thì bệnh viện gọi điện thoại, điều động anh đi công tác gấp. Không ngờ chuyến đi ấy đã trở thành chuyến công tác cuối cùng, để rồi anh không về nữa, mãi mãi.

Bảo cứ nhắc đi nhắc lại, như nói với chính mình: Anh không về nữa, không về nữa rồi, mãi mãi!…, khiến chúng tôi nhói lòng. Những giọt nước mắt cứ nối tiếp nhau chảy dài trên đôi má của người vợ trẻ, chỉ trong phút chốc trở thành góa bụa.

Cố ngăn dòng nước mắt, Bảo kể tiếp, hồi Đấu còn sống, vợ chồng ở trong ngôi nhà trống trước trống sau, thế mà chị chẳng bao giờ biết sợ bất cứ thứ gì.

Thế mà giờ, dù được Công đoàn của Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang hỗ trợ xây tặng “Mái ấm Công đoàn” khang trang hơn, vậy mà hễ màn đêm vừa sụp xuống là sợ, nên Bảo và cô con gái 8 tuổi phải vào nhà khóa chặt cửa lại.

Hồi Đấu còn sống, việc đưa rước con mỗi ngày do anh gánh vác, Bảo chỉ mỗi việc sáng đến công ty để làm rồi chiều về. Giờ chỉ còn lại một mình, việc đưa rước con đi học phải nhờ đến bên ngoại hỗ trợ. Vì vậy con gái nhớ cha, hay nhắc. Mà mỗi lần như thế là hai mẹ con lại ôm nhau khóc.

Dù đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng người đồng nghiệp - nhân viên Phòng Điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang Nguyễn Văn Tâm vẫn còn hằn sâu ký ức về cái đêm định mệnh ấy.

Bệnh viện nhận được tin báo của người nhà bệnh nhân ở xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành nhờ hỗ trợ đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị, vì bệnh tâm thần của bệnh nhân tái phát, đang lên cơn kích động nên có ý định mua xăng về đốt nhà.

Phòng Tổ chức hành chính phân công tua trực đi hỗ trợ đưa bệnh nhân vào bệnh viện để điều trị. Đấu thuộc Đội cấp cứu ngoại viện, nên dù đang ở nhà cũng phải vào bệnh viện để cùng đi với anh em tua trực.

Khi anh em phát hiện bệnh nhân đang mua xăng, không ai dám xông vào để khống chế, vì bệnh nhân cao to lại có võ nghệ. Đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra khi bệnh nhân tâm thần lên cơn kích động, gây hại cho cộng đồng.

Và Đấu cũng biết, bệnh nhân tâm thần đang trong cơn kích động có thể gây hại cho bất kỳ người nào nếu không có sự cảnh giác, đề phòng. Nhưng là người công tác trong ngành Y, Đấu phải có trách nhiệm với bệnh nhân, phải có trách nhiệm với cộng đồng.

ỦY VIÊN DỰ KHUYẾT BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG:

Phong trào học tập và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng

Có thể nói, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 06, rồi đến Chỉ thị 03 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Từ đó, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặc biệt là, phong trào học tập và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Nhiều tấm gương học tập và làm theo Bác gắn với những việc làm cụ thể, thấm đẫm tính nhân văn, nỗ lực góp phần cùng với Đảng và Nhà nước chăm lo đời sống nhân dân, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa khó giảm nghèo, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế…, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Từ khi đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị 03 ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đấu luôn có ý thức học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Vì vậy, không một chút đắn đo, Đấu lao vào khống chế bệnh nhân, để rồi bị bệnh nhân hất tung bình xăng vào người. Không may, gần đó có lò hấp bánh bao, bếp lửa đang cháy đỏ…

Chỉ trong tích tắc, mọi người không ai kịp trở tay, lửa bắt xăng bùng cháy dữ dội, biến Đấu thành “ngọn đuốc sống”… Dù được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) tập trung cứu chữa, nhưng 21 ngày sau (ngày 3-8-2015) Đấu trút hơi thở cuối cùng, khiến người thân và đồng nghiệp bàng hoàng. Lúc ấy, Đấu mới vừa bước sang tuổi 26. 

TRUYỀN CẢM HỨNG SỐNG VÀ CỐNG HIẾN

Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Quốc Kính, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang cho biết, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 06 ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; rồi đến Chỉ thị 03 ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được cấp ủy và Ban Giám đốc bệnh viện đặc biệt quan tâm, xem đó là động lực để đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực cống hiến, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Qua đó đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cán bộ, đảng viên, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, từ đó toát lên nhiều tấm gương hết lòng hết sức phục vụ bệnh nhân, mà Liệt sĩ Võ Văn Đấu là một điển hình tiêu biểu cho tập thể y, bác sĩ của bệnh viện học tập và noi theo.

Bác sĩ Kính cho biết thêm, Khoa Hồi sức cấp cứu rất đặc thù, đòi hỏi người điều dưỡng phải có nhiều kỹ năng, điềm đạm, nhưng phải linh hoạt, chịu khó, vì bệnh nhân tâm thần được đưa vào cấp cứu thường hay bị kích động, không hợp tác với bác sĩ để điều trị. Không hiếm trường hợp anh em điều dưỡng, hộ lý bị bệnh nhân, kể cả bệnh nhân nhiễm HIV lên cơn kích động cắn, cào cấu, phải điều trị phơi nhiễm HIV. Đấu rất tận tụy, nhẹ nhàng, lại chịu khó và nhiệt tình trong công tác, không nề hà khó khăn, phân công việc gì cũng hoàn thành tốt.

Điều dưỡng viên Võ Văn Đấu sinh năm 1989, quê quán ấp Hữu Hòa, xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Để ghi nhận sự cống hiến, hy sinh quên mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân, anh đã được công nhận liệt sĩ và được Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định 481 ngày 25-3-2016. Ngày 6-5-2016, địa phương đã tổ chức Lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sĩ Võ Văn Đấu.

Vì vậy Đấu được phân công nhiệm vụ là điều dưỡng của Khoa Hồi sức cấp cứu. Đấu không chỉ hoàn thành tốt công tác chuyên môn, mà còn tích cực tham gia các phong trào của đơn vị.

Dù còn trẻ, mới vào công tác ở bệnh viện 5 năm nhưng Đấu đã được đưa vào đối tượng phát triển Đảng, đã được học lớp cảm tình Đảng. Sự hy sinh quên mình của Đấu đã khiến tất cả cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện thương tiếc và cảm phục.

Để sự hy sinh của anh có ý nghĩa hơn, tất cả y, bác sĩ của bệnh viện đều phải nén đau thương, biến đó thành động lực, thành nguồn năng lượng tích cực, nguồn cảm hứng cống hiến để nỗ lực phấn đấu theo tấm gương của anh, đó là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà cụ thể là bệnh nhân khi đến với bệnh viện để điều trị. 

Hành động dũng cảm rất y đức của anh đã được Bộ Y tế khen ngợi và đã chỉ đạo ngành Y tế Tiền Giang cũng như cả nước học tập, noi theo. Sau khi Liệt sĩ Võ Văn Đấu hy sinh, ngành Y tế Tiền Giang cũng đã phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương của anh trong toàn ngành. Từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh nhà về tinh thần và thái độ phục vụ bệnh nhân.

Việc làm tử tế của anh vì bệnh nhân, vì cộng đồng; tấm gương dũng cảm, hy sinh quên mình của anh mãi mãi hằn sâu trong trí nhớ của mọi người, truyền cảm hứng cho đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân trong thực hiện y đức theo lời Bác Hồ dạy: Lương y phải như từ mẫu. Mà không chỉ có thế, tấm gương của anh, sự tử tế của anh, tinh thần trách nhiệm của anh còn truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta nỗ lực phấn đấu để cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, cho xã hội, để cuộc sống ngày càng nhân văn hơn, tốt đẹp hơn…

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.