Đại biểu Tạ Minh Tâm: Góp ý 5 nội dung đối với Luật Thư viện
(ABO) Vừa qua, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia ý kiến 5 nội dung để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện
+ Bên cạnh các định hướng chính sách lớn thể hiện trách nhiệm nhà nước đầu tư cho thư viện công lập, đề nghị bổ sung nội dung “Nhà nước sắp xếp, đầu tư, phát huy vai trò hệ thống thư viện công lập, đặc biệt thư viện công cộng cấp huyện, xã đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thư viện và phù hợp thực tế địa phương, cơ sở”.
+ Về nội dung nguồn nhân lực, đề nghị điều chỉnh thành “Nhà nước đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển sự nghiệp thư viện. Ở đây trách nhiệm đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực không chỉ phục vụ cho khối thư viện công lập mà cho các loại hình thư viện khác trong toàn bộ hệ thống thư viện. Bên cạnh đó, kiến nghị bổ sung vào Chương V. Quản lý nhà nước về thư viện nội dung giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đủ năng lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành lĩnh vực thư viện.
+ Về khoa học và công nghệ, kiến nghị điều chỉnh thành “Nhà nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện”.
- Thứ hai, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một Điều quy định về chiến lược phát triển thư viện vào trong luật để định hướng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp trong từng thời điểm. Tạo cơ sở pháp lý nhà nước đầu tư, sắp xếp hệ thống thư viện công lập; phát triển hệ thống thư viện ngoài công lập. Bảo đảm thực hiện đạt yêu cầu chức năng, nhiệm vụ mỗi loại hình thư viện. Xây dựng thành công hệ thống thư viện liên thông, năng động, hiện đại… Nội dung này dự thảo luật chỉ mới đề cập trong phần giao trách nhiệm cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Chương V. Quản lý nhà nước về thư viện. Đề nghị làm rõ thêm tạo hành lang pháp lý để cơ quan chuyên ngành có cơ sở thực hiện.
- Thứ ba, Ban soạn thảo đã tiếp thu làm rõ hơn khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của thiết chế thư viện trong thời gian tới. Đã làm rõ định hướng phát triển thư viện, cấu trúc hệ thống thư viện; trách nhiệm hệ thống thư viện trung tâm; vai trò, vị trí hệ thống thư viện vệ tinh. Tạo điều kiện nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của thư viện cấp xã, cấp huyện.
Đối với Chương II. Thành lập thư viện, Mục 1. Mạng lưới thư viện. Dự thảo luật quy định thư viện có 8 loại gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng… Điều 3 quy định 4 nhóm chức năng, nhiệm vụ chung của thiết chế thư viện. Từ Điều 9 đến Điều 16, dự thảo luật cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ cho từng loại hình thư viện.
Bên cạnh Thư viện Quốc gia, thư viện công cộng cấp tỉnh và một số thư viện có vai trò quan trọng được sự đầu tư trọng tâm của nhà nước. Có khả năng thực hiện toàn diện chức năng, nhiệm vụ được giao. Các loại hình thư viện còn lại, đặc biệt là thư viện công cộng cấp huyện, thư viện công cộng cấp xã, thư viện chuyên ngành, thư viện cộng đồng… năng lực còn nhiều hạn chế. Có đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sự tồn tại của mình. Trong khi đó đều có chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu phát triển như nhau được quy định tại Điều 3 dự thảo luật; cũng như phải chấp hành 14 điều luật về hoạt động thư viện quy định tại Chương III. Hoạt động thư viện (từ Điều 23 đến Điều 36). Trong đó, có yêu cầu cao và đồng nhất về các hoạt động nghiệp vụ, phát triển tài nguyên thông tin, xử lý tài nguyên thông tin, tổ chức hệ thống tra cứu thông tin, tạo lập và cung ứng sản phẩm, dịch vụ, liên thông thư viện, phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện…
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xác lập chặt chẽ nhiệm vụ của từng loại hình thư viện phù hợp khả năng đáp ứng trước mặt và định hướng phát triển để bảo đảm tính khả thi của các nội dung quy định trong dự thảo luật…
- Thứ tư, vấn đề sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện. Xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế. Vấn đề này dự thảo luật đã cụ thể hóa ở nhiều điều luật. Ở Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ của thư viện, Điều 4. Chính sách của nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện; thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ của các loại thư viện trong mạng lưới thư viện quốc gia từ Điều 23 đến Điều 36… Điều 28 về liên thông thư viện…
Trong điều kiện các thư viện không phải là các đơn vị trực thuộc hệ thống ngành dọc, cũng như đa dạng về loại hình, đối tượng phục vụ, địa bàn đảm trách cũng như phương thức, năng lực hoạt động… Do đó cần rà soát các quy định, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể hóa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì tiến hành điều phối liên thông, điều hòa tài nguyên thông tin.
Nhằm khai thác tối đa giá trị nguồn lực thông tin đã được tập hợp, xây dựng, kiến nghị Ban soạn thảo điều chỉnh, bổ sung khoản 3 Điều 28 lại như sau:
+ Bổ sung nội dung quy định “Các thư viện được đầu tư từ ngân sách nhà nước có trách nhiệm thực hiện liên thông, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin dùng chung; phát huy vai trò nòng cốt các thư viện được nhà nước đầu tư trọng điểm”.
+ Bổ sung nội dung nhà nước có chính sách khuyến khích các thư viện ngoài công lập, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam tham gia liên thông hệ thống thư viện.
+ Điều chỉnh điểm c khoản 3: “Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông chia sẻ giữa các thư viện công lập” thành “Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông chia sẻ trong hệ thống thư viện”.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã có nhiều quy định về quyền, trách nhiệm, phương thức hoạt động nhằm định hướng thư viện có điều kiện xây dựng nguồn tài liệu phong phú bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Dự thảo cũng đã xây dựng một điều luật, Điều 33. Phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức thông tin khoa học và công nghệ, lưu trữ và các cơ quan, tổ chức khác. Để góp phần hoàn thiện, kiến nghị bổ sung vào Điều 41. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với thư viện với nội dung “Khuyến khích cơ quan, tổ chức thông tin khoa học và công nghệ, lưu trữ và các cơ quan, tổ chức khác phối hợp với tổ chức thư viện để khai thác, chia sẻ, phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên thông tin của các bên.
- Thứ năm, đối với cơ chế đầu tư tài chính công trong hệ thống thư viện công lập bảo để đảm khả năng thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Thư viện đánh giá hiện trạng hệ thống thư viện công lập đang thiếu hụt lớn nguồn ngân sách đầu tư để duy trì sự tồn tại; chưa nói đến nguồn lực để chuẩn hóa, hiện đại hóa như yêu cầu xây dựng luật đặt ra. Báo cáo đã dẫn, việc xây dựng, bổ sung vốn tài liệu tại nhiều thư viện đặc biệt là thư viện cấp huyện, xã, thư viện trường phổ thông hầu như không có hoặc rất ít; hơn 30% thư viện cấp huyện chưa được cấp đủ kinh phí hoạt động”.
Điều chỉnh vấn đề này, dự thảo luật xây dựng Điều 34. Quy định tài chính của thư viện bao gồm:
1. Ngân sách nhà nước;
2. Nguồn thu từ dịch vụ thư viện, đào tạo, khoa học và công nghệ;
3. Nguồn tài trợ, viện trợ, biếu, tặng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;
4. Nguồn thu hợp pháp khác.
Đề góp phần tháo gỡ những hạn chế đã được chỉ ra, kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Chương V. Quản lý nhà nước về thư viện nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn thực hiện Điều 34; tham mưu cơ chế định hướng bộ phận thư viện công lập xác lập được phương án tài chính phù hợp, khả thi đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển.
MIINH NHỰT (tổng hợp)