Chủ Nhật, 24/11/2019, 20:52 (GMT+7)
.
Đại biểu Tạ Minh Tâm:

Góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

(ABO) Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) tham gia đóng góp một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Báo cáo đánh giá kết quả thực thi luật thời gian qua, có nhận định cơ chế huy động trí tuệ của nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn. Từ phía cơ quan nhà nước, nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến, việc tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp văn bản. Bên cạnh đó, thực tiễn phản ánh cách thức lấy ý kiến, phương pháp lấy ý kiến, thời gian gửi hồ sơ lấy ý kiến, nội dung hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến, đối tượng lấy ý kiến thời gian qua còn nảy sinh nhiều vấn đề, cần phải quan tâm.

Do đó, kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, xác định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan chủ trì lấy ý kiến và cơ quan tổ chức tham gia góp ý về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 7 của luật hiện hành; hoàn thiện cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình phản hồi của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong quy trình này; rà soát các quy định của luật về lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hiện có nội dung chưa thống nhất. Điều này thể hiện cụ thể qua quá trình tổng kết thi hành luật năm 2015 để bảo đảm đồng bộ và khả thi.

Thứ hai, về xây dựng chính sách và thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật

Thống nhất nội dung được quy định tại Điều 47, 58, 92 và 121 của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã khẳng định, làm rõ hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động thẩm định, thẩm tra đối với từng loại văn bản cụ thể, bảo đảm thống nhất với các quy định luật hiện hành về vấn đề này. Bên cạnh đó, kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm các nội dung quy định nhằm bảo đảm chặt chẽ theo hướng:

+ Việc thành lập Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh: Kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định lập Ban soạn thảo từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật để Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách bảo đảm đồng bộ, nhất quán trong suốt quá trình triển khai xây dựng pháp luật, thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, cũng như tạo điều kiện để Ban soạn thảo thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

+ Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Để bảo đảm tính chủ động của Quốc hội trong kế hoạch lập pháp, thống nhất Phương án 2 như Tờ trình Chính phủ đã nêu là vẫn giữ quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện nay; đồng thời, thống nhất quan điểm kiến nghị trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải có dự thảo luật, pháp lệnh thể hiện đúng nội dung theo chính sách được đề xuất thay cho đề cương dự thảo văn bản như hiện nay. Như vậy, bảo đảm chặt chẽ trong đề xuất chính sách, đánh giá tác động cụ thể hóa nội dung chính sách thành dự thảo điều luật, góp phần nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng luật, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo.

+ Về việc chuẩn bị và trình tự trình kèm dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh: Thống nhất quan điểm cần có dự thảo văn bản chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh như quy định tại khoản 2 Điều 11 luật hiện hành. Điều này góp phần bảo đảm thể hiện một cách chặt chẽ, khả thi, cụ thể các chính sách đề ra khi xây dựng luật. Bảo đảm nắm bắt đồng thuận, thuận lợi trong các giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị trước dự thảo văn bản quy định chi tiết một cách chặt chẽ, bảo đảm thực thi kịp thời, hiệu quả các nội dung pháp luật đã ban hành điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống.

Thứ tư, về việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh

Kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc thẩm tra bổ sung trong giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện sau khi dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi mà chính sách luật, pháp lệnh được điều chỉnh, thay đổi để khắc phục những bất cập trong thực hiện quy định. Tại khoản 1 Điều 35 quy định “trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra xem xét cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, nếu có chính sách mới đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó chịu trách nhiệm đánh giá tác động chính sách” trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, quá trình tổng kết thực tiễn thời gian qua cho thấy quy định tại khoản 1 Điều 35 không khuyến khích các cơ quan đề xuất ý tưởng mới trong quá trình góp ý đối với dự án, dự thảo văn bản. Như vậy, với sự điều chỉnh đồng bộ trên, cụ thể là Ban soạn thảo sớm thành lập và đi vào thực hiện nhiệm vụ, chịu trách nhiệm ngay từ đầu, bảo đảm sự chủ động của Quốc hội trong kế hoạch lập pháp. Hồ sơ dự án luật, pháp lệnh được chuẩn bị toàn diện chi tiết, quy trình thẩm tra tiến hành xuyên suốt, chặt chẽ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật như mục đích xây dựng dự án luật đã đặt ra.

Thứ năm, đối với trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, các Điều 74, 75, 76 và 77

Kiến nghị tiếp tục hoàn thiện Phương án 2 như tờ trình của Chính phủ, theo đó giao cho cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh; cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý. Cách làm này phù hợp với nguyên tắc phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.