Thứ Sáu, 08/11/2019, 21:37 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính

(ABO) Từ ngày 6 đến 8-11, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát các sở, ngành, địa phương về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Đoàn giám sát tại Sở Thông tin và Truyền thông.
Đoàn giám sát làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, trong những năm qua, sở đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều văn bản thể chế hóa, cụ thể hóa văn bản cấp trên và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.

Sở đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn, tuyên truyền, triển khai ứng dụng CNTT đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Từ tháng 5-2018 đến nay, bên cạnh việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, sở đã thực hiện số hóa giải quyết 100% yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm Một cửa điện tử.

Với 37  thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết công bố và tổ chức tiếp nhận trực tuyến trên phần mềm Một cửa, từ ngày 1-1 đến 31-10-2019, sở đã tiếp nhận, giải quyết 92/92 hồ sơ, 100% hồ sơ được giải quyết trước hẹn.

Đoàn giám sát tại Sở Tư pháp
Đoàn giám sát làm việc với Sở Tư pháp.

Giám sát tại Sở Tư pháp, sở này cho biết, hiện nay, với 175 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, từ năm 2015, Sở Tư pháp đã thực hiện ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch hồ sơ thủ tục hành chính của nhân dân.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, việc ứng dụng CNTT tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là việc sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; phần mềm Một cửa điện tử; tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua phần mềm Lý lịch tư pháp; công chứng hợp đồng, giao dịch, đăng ký hoạt động, hành nghề lĩnh vực bổ trợ tư pháp và các phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp.

Tổng số hồ sơ tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp trên 11.500 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết trước hạn đạt trên 95%.

Đoàn giám sát làm việc tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông.

Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị còn gặp khó khăn, bởi sự không tương thích giữa phần mềm nghiệp vụ dùng chung của Trung ương với các phần mềm của địa phương.

Hiện tại, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cùng lúc vừa phải nhập dữ liệu các phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp và phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh, gây khó khăn cho người sử dụng; số lượng hồ sơ phát sinh đăng ký trực tuyến, việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế.

Đoàn giám sát tại phường 4, TX. Gò Công.
Đoàn giám sát làm việc với phường 4, TX. Gò Công.
Đoàn giám sát tại UBND TX. Gò Công
Đoàn giám sát làm việc với UBND TX. Gò Công.

Giám sát tại xã Tân Đông và UBND huyện Gò Công Đông; phường 4 và UBND TX. Gò Công; xã Tân Hòa Đông và UBND huyện Tân Phước, đồng chí Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ ở cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT tại địa phương cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay, số lượng biên chế ngày càng tinh giản thì việc ứng dụng CNTT để cải cách hành chính nhà nước là vô cùng cần thiết. Vì thế, trong thời gian tới, các địa phương cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT; rà soát, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc sử dụng, ứng dụng CNTT để giải quyết thủ tục hành chính; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển ứng dụng CNTT, nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành, phục vụ tốt hơn cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp…

P. MAI

.
.
.