Khắc phục khó khăn ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
(ABO) Ngày 12 và 13-11, Đoàn giám sát Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang tiến hành làm việc với 4 Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
* Hiện tại, Bộ phận Một cửa Sở NN&PTNT đã ứng dụng thực hiện phần mềm “Một cửa điện tử” của tỉnh trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC cho các tổ chức, cá nhân với 121 TTHC. Sở cũng đã xây dựng quy trình thực hiện 121 TTHC với các mức độ 3 và 4. Tính đến nay, tổng số hồ sơ đã nhập vào phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh trên 3.600 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết trước hạn trên 3.500 hồ sơ, đạt trên 97%.
Đoàn giám sát làm việc với Sở NN&PTNT. |
* Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số TTHC được cung cấp trên phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh là 138 và đều cung cấp ở mức độ 4. Tổng số hồ sơ được nhập vào phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh là 1.829, đạt 100%, giải quyết trước hạn trên 91,7%. Đặc biệt, có gần 986 hồ sơ đăng ký trực tuyến, đạt gần 54% và 25 hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đoàn giám sát làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư. |
* Đối với Sở Công thương, tổng số TTHC được cung cấp trên phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh là 123, trong đó số TTHC cung cấp mức độ 4 là 62. Tổng số hồ sơ được nhập vào phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh là 9.852, giải quyết trước hạn đạt trên 74,7%, không có hồ sơ giải quyết quá hạn. Sở Công thương có gần 1/3 số hồ sơ nhận trực tuyến mức độ 4 như thủ tục thông báo khuyến mãi và sửa nội dung khuyến mãi.
Đoàn giám sát làm việc với Sở Công thương. |
* Tại Sở Xây dựng, có 39 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đều cung cấp trên phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh. Do tính chất và đặc thù, trong 39 thủ tục chỉ có 1 thủ tục được cung cấp mức độ 4, số còn lại ở mức độ 3. Tổng số hồ sơ được nhập vào phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh là 653, giải quyết trước hạn đạt gần 90%; có 61 hồ sơ giải quyết quá hạn, nguyên nhân do một số thủ tục trong quá trình thẩm định cần bổ sung thông tin cũng như một số thủ tục chờ được cấp mã số từ Bộ Xây dựng…
Giám sát tại 4 sở, các thành viên trong Đoàn đều đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức của các sở trong việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC tại đơn vị còn gặp khó khăn, bởi sự không tương thích giữa phần mềm nghiệp vụ dùng chung của Trung ương với các phần mềm của địa phương. Số lượng hồ sơ phát sinh đăng ký trực tuyến, việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế.
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, số lượng biên chế ngày càng tinh giảm thì việc ứng dụng CNTT để cải cách hành chính nhà nước là vô cùng cần thiết. Vì thế, các thành viên trong Đoàn giám sát đều mong trong thời gian tới, các sở cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT; từng bước khắc phục hạn chế, tồn tại; những thủ tục nào đơn giản thì tập trung thực hiện ở mức độ 4; tiếp tục kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn về việc không tương thích giữa các phần mềm;… nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành, phục vụ tốt hơn cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
P. MAI