Thủ tướng: Không chấp nhận một nền văn hoá lai căng
Chiều 8-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các ĐBQH. Các chất vấn của ĐB xoay quanh vấn đề hội nhập kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế tư nhân...
Xây dựng nền kinh tế tự chủ
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhắc đến nguy cơ sản phẩm hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản có nguy cơ thua trên sân nhà. Vậy cần có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kinh tế hợp tác trong các điều kiện mở cửa thị trường, áp lực cạnh tranh lớn và hội nhập sâu?
Thủ tướng cho biết, nước ta hội nhập kinh tế sâu rộng, chúng ta không hội nhập thì không thể phát triển được, nhưng hội nhập dự phải có công cụ để phòng vệ thương mại, phù hợp với lộ trình hội nhập Việt Nam. Các quốc gia thường sử dụng hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật để phòng vệ thương mại.
Chính phủ đề nghị doanh nghiệp, người dân đứng trên đôi chân của mình. Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA với các nước, song cũng cần có công cụ phòng vệ thương mại phù hợp, tức là sử dụng hàng rào kỹ thuật đúng quy định, đúng pháp luật. Nhà nước sẽ làm nhiều việc như sử dụng có hiệu quả công cụ phòng vệ, tạo môi trường kinh doanh tốt, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để thành công trong hội nhập. “Không phải là bảo vệ kiểu bảo hộ bao cấp, như thế sẽ không bao giờ thành công, điều đó cũng không được phép trong quá trình ký kết Hiệp định thương mại tự do”, Thủ tướng chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hàm ý điều này không có nghĩa là một mình một chợ, mà phải xây dựng nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, có khả năng chống chịu những biến động, cú sốc của nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng lấy ví dụ hiện nay, dịch tả heo châu Phi khiến Việt Nam mất khoảng 8,5% tổng đàn heo, trong khi vẫn phải có biện pháp đảm bảo thực phẩm cho người dân. Điều này vẫn cần một lượng hàng hóa từ bên ngoài để bù đắp. Thủ tướng cũng báo cáo với Quốc hội nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ.
Ví dụ như từ một nước thiếu ăn, đến nay xuất khẩu nông nghiệp đạt trên 4,2 tỷ USD. Kinh tế tăng trưởng liên tục, có khả năng chống chịu. Chính phủ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, lạm phát thấp. Việt Nam cũng đa dạng hoá, đa phương hoá mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập riêng một thị trường quốc gia nào. Việt Nam đã có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và có 3 hiệp định đang thảo luận kỹ thuật
Thủ tướng trả lời chất vấn ngày 8-11. Ảnh VIẾT CHUNG |
Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhắc đến câu nói của một chuyên gia kinh tế cho rằng muốn có Việt Nam hùng cường thì dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong, bứt phá trong tương lai. Ông muốn hỏi Thủ tướng tới đây có những chính sách cụ thể gì để kinh tế tư nhân liên tục phát triển và Việt Nam có được “những người khổng lồ” đúng nghĩa?
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, Đảng, Nhà nước đã xác định kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước. Đặc biệt với kinh tế tư nhân, chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân, các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân.
Đến nay kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của của cả nước. Có nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế. “Đảng, Nhà nước hoan nghênh những đóng góp của kinh tế tư nhân vừa qua và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ thì nên thưởng huân chương bậc cao cho họ” và nhấn mạnh: Chúng ta không phân biệt kinh tế tư nhân, mà bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Trả lời ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về phát triển kinh tế ban đêm, Thủ tướng nói đây là sự năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới; nhất là khi Việt Nam mỗi năm đang đón tới 1,8 triệu khách du lịch quốc tế. “Phần lớn khách đến Việt Nam trái múi giờ. Cần thời cơ để phục vụ họ với hiểu biết về văn hoá ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết vấn đề lao động.
Tôi mong các trung tâm kinh tế các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm”, Thủ tướng nói. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là đô thị lớn quan tâm đến kinh tế ban đêm như một số nước châu Á. Cần tìm giải pháp để thu hút du khách nhiều hơn, để có sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, để du khách sớm quay lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng kinh tế ban đêm có những mặt trái, nên các cơ quan chức năng phải quản lý tốt, không để xảy ra tiêu cực. "Hiện nay Cần Thơ về đêm vẫn sầm uất, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế đêm tốt hơn, còn một số địa phương khác đến 22 giờ đã không còn hoạt động kinh tế, giải trí", Thủ tướng cho hay.
Quy mô GDP năm 2019 là 310 tỷ USD
Năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Chính phủ sẽ tận dụng thời cơ này ra sao? Trả lời câu hỏi này của ĐB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ít có quốc gia nào có cơ hội trùng lặp hai sự kiện quan trọng này trong chương trình đối ngoại. Do đó, Việt Nam cần tận dụng thời cơ này để đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn. “Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng, tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối, lấy ASEAN là trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam. Đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối. Đặc biệt, các nước ASEAN cùng đấu tranh giữ gìn hoà bình, thống nhất trong khối để bảo vệ Luật pháp quốc tế ở khu vực biển Đông Việt Nam”, Thủ tướng cho biết.
ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) nêu, kết quả công bố đánh giá lại quy mô GDP năm 2017 của Tổng cục Thống kê sau đánh giá lại là 275 tỷ USD, thay vì 220 tỷ USD. Theo công bố này nếu tính cả tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 thì quy mô GDP năm 2019 sẽ là 310 tỷ USD. Vậy chúng ta có công nhận kết quả đánh giá lại này của Tổng cục Thống kê hay không?
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định việc tính toán lại GDP là cần thiết, theo thông lệ quốc tế và tính công khai, minh bạch.
Thủ tướng xác nhận, quy mô GDP mới sau tính lại tăng 25,5%, lên trên 310 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng. "Không phải bệnh thành tích mà chúng ta tính lại. Báo cáo trước Quốc hội hôm nay, trong văn kiện đại hội Đảng vẫn là tính toán dựa trên số liệu cũ",
Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng lý giải quy mô GDP tính lại là do chưa tính kinh tế ngầm, kinh tế chưa chính thức mà mới tính khu vực kinh tế bị bỏ sót, như các hộ kinh doanh cá thể, 76.000 doanh nghiệp trước đây cũng chưa được đưa vào. Việc đánh giá lại GDP giúp quan sát những khu vực kinh tế mà trước kia bỏ sót. "Các nước mua một que tăm cũng có hoá đơn, trong khi chúng ta mua tivi, xe máy...đều không có chứng từ. Hàng năm chúng ta mua hàng triệu ôtô, hàng vạn nhà lầu, xe sang... nhưng thu thuế được bao nhiêu? Vì thế kinh tế Việt Nam còn bị bỏ sót nhiều, khiến thất thu thuế. Tính toán lại quy mô GDP là cần thiết", Thủ tướng giải thích.
Trả lời chất vấn của ĐB về phát triển điện khí, Thủ tướng cho biết sẽ có quy hoạch cụ thể đảm bảo cung - cầu, nguồn và lưới điện cho phát triển loại nguồn điện này. “Sẽ quy hoạch tổng thể cung cầu, đồng bộ, đảm bảo cạnh tranh, lợi ích quốc gia, dân tộc để có giá điện rẻ cho người tiêu dùng.
Tới đây phát triển mạnh nguồn điện phía Nam đảm bảo cung ứng điện đầy đủ kịp thời cho sản xuất, tiêu dùng của nhân dân", Thủ tướng nói. Nhận định điện không chỉ là kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh xã hội, thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi từng nói cơ quan nào đơn vị nào liên quan mà không đảm bảo chức năng cung cấp điện thì mất chức chứ không bình thường”, Thủ tướng nói. “Điện rất quan trọng, không được để nước đến chân mới nhảy. Không được công bố tình trạng thiếu điện. Chúng ta phải xây dựng nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập", Thủ tướng nói thêm.
Không chấp nhận nền văn hóa lai căng
Một số ĐB chất vấn đề vấn đề phát triển văn hóa mang tầm chiến lược, Thủ tướng cho rằng việc này là hết sức cần thiết. Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới thành công. Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có sức mạnh nền tảng rất lớn, phát triển văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, các dân tộc đều đoàn kết, thống nhất.
Đây là vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về văn hóa phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi. Có nhiều thách thức về kinh tế thị trường trong phát triển văn hóa, chưa nền nếp trong hoạt động văn hóa, chưa thực hiện hiệu quả các cuộc vận động do cơ quan mặt trận, Đảng, Nhà nước phát động. “Chúng ta không chấp nhận tình trạng văn hoá Việt Nam nhờ nhờ, không để một nền văn hoá lai căng. Yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là không những phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn văn hoá của đất nước cho xứng đáng với truyền thống 4.000 năm lịch sử”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp về vấn đề này, trong đó có định hướng sắp tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý văn hoá, bỏ tư duy không quản lý được thì cấm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa cạnh tranh với toàn cầu, chấn chỉnh lệch lạc về văn hoá, đẩy mạnh truyền thông giáo dục về văn hoá. “Phải giáo dục từ nhỏ để các em có văn hoá, có đạo đức, biết lịch sử dân tộc, văn hoá ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Cần chấn chính những biểu hiện, hành vi mất văn hóa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
(Theo sggp.org.vn)
.