Quyết tâm xây dựng quê hương Tiền Giang giàu mạnh
Mặc dù thất bại do điều kiện chưa chín muồi, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ có ý nghĩa rất to lớn. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”.
Học sinh tham quan khu trưng bày hiện vật tại khu Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa (đình Long Hưng). Ảnh: VĂN THẢO |
Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì vậy, ngày 14-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 163 tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Ðội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940 để khắc ghi công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam kỳ. Ý nghĩa to lớn và bài học vô giá của khởi nghĩa Nam kỳ luôn cổ vũ hành động của chúng ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cuộc khởi nghĩa này có ý nghĩa rất to lớn, là một trong những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng vũ lực của nhân dân ta.
Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc tổng diễn tập toàn diện để tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, là minh chứng sinh động cho chủ trương của Đảng đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu với phương pháp đấu tranh vũ lực là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo.
Ðặc biệt, từ trong tiến trình chuẩn bị và diễn ra khởi nghĩa, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng rôn treo trước trụ sở Ủy ban cách mạng xã Long Hưng (Mỹ Tho).
Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong khởi nghĩa Nam kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam kỳ. Sau đó, ngọn cờ đỏ sao vàng này đã được Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 9-11-1946, chính thức là “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được ghi trong Hiến pháp, thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai (khóa I).
Ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), trong khởi nghĩa Nam kỳ, cán bộ cách mạng và nhân dân đã ghi nhiều dấu son rất đáng tự hào. Đó là, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng rôn treo trước trụ sở Ủy ban cách mạng xã Long Hưng; Ủy ban cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và việc làm đầu tiên là thành lập Tòa án nhân dân để xét xử bọn tay sai ác ôn - đây là lần đầu tiên ở Nam kỳ và cũng là lần đầu tiên trong cả nước Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập và cũng là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên ngọn cây bàng trước sân đình Long Hưng (nhiều tài liệu lịch sử cho rằng do đồng chí Lê Quang Sô - người phụ trách công tác Mặt trận và cơ sở in ấn tài liệu của Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế).
Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 -23-11-2019), trong lúc toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà đang thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó cũng chính là sự tiếp nối tinh thần phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi và cũng là phát huy bài học vô giá của thế hệ chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú tận tụy với nhân dân thời “Nam kỳ khởi nghĩa” để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
NHƯ NGỌC