Thứ Hai, 23/12/2019, 20:53 (GMT+7)
.

Để kiểm soát chặt chẽ quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền hiệu quả

Tại Hội nghị triển khai Quy định 205 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 21, 26 của Ban Tổ chức Trung ương ngày 21-11, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang có bài phát biểu quan trọng.

Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh: Đây là nội dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng ta, những vấn nạn này nếu chưa được khắc phục sẽ còn là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.

Có thể khẳng định quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, cho nên việc chúng ta cần làm là phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn; quyền hạn phải được ràng buộc bởi trách nhiệm; quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó; quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.

Do đó, chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; phân công, phân cấp phải gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước.

Về hành vi chạy chức, chạy quyền, đồng chí Nguyễn Văn Danh nêu: Bác Hồ từng lên án bệnh kéo bè, kéo cánh, cục bộ, bản vị. Người gọi đây là căn bệnh “Cánh hẩu” trong Đảng, là biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong một sự cấu kết chặt chẽ để trục lợi (“Cánh hẩu” nghĩa là tạo dựng ê-kíp, chọn lựa kế cận, chia nhau giữ ghế, lũng đoạn chính sách, lợi dụng pháp luật, làm giàu bất chính, toan tính chuyện “cha truyền, con nối”, là việc đưa con cháu, người nhà vào nắm giữ các vị trí trong bộ máy chính quyền, là biểu hiện của tham nhũng quyền lực)... \

Bác Hồ chỉ ra rằng: “Bè cánh được lôi kéo từ những người có họ hàng, là bà con, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng xóm, cùng quê; rồi tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người tốt, người có tài để “tiêu diệt”, để thao túng. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh nêu rõ ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai quán triệt nghiêm túc Quy định nêu trên; phải cụ thể hóa từng nội dung của Quy định theo thẩm quyền để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo kịp thời cấp ủy cấp trên trực tiếp về kết quả đã thực hiện hằng năm.

Từng thành viên lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, phải nêu gương trong thực hiện Quy định; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

Trước mắt là việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 không để những trường hợp đã nêu trong quy định lọt vào các chức danh lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở; nếu có những trường hợp do các nhiệm kỳ trước đã cơ cấu thì phải có kế hoạch sắp xếp lại để đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Chính trị.

Đối với các cơ quan và cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, phải nâng cao bản lĩnh, ý thức trách nhiệm, công tâm, khách quan, minh bạch và chịu trách nhiệm với cấp có thẩm quyền trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm quy định chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.   

                         NHƯ NGỌC

.
.
.